Đóng góp của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong phát triển dược liệu Việt

Thứ tư - 01/08/2018 09:27

I. Ngành dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay

Việt Nam có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên thuận lợi nên được thiên nhiên ưu đãi về nguồn tài nguyên trong đó có cây thuốc. Theo kết quả điều tra của Viện Dược liệu, Việt Nam có tới 5.117 loài cây làm thuốc. Trong đó, có nhiều loài đặc hữu vô cùng quý giá như Sâm Việt Nam, đinh lăng, ba kích, giảo cổ lam, chè dây… Theo đánh giá của tổ chức Y tế thế giới, khoảng 80% người dân dựa vào thuốc có nguồn gốc tự nhiên để chăm sóc sức khỏe và con số này ngày một tăng lên do xu hướng trở về với thiên nhiên trong những năm gần đây. Do đó, nhu cầu sử dụng cây cỏ làm thuốc là rất lớn.

Quan điểm của phát triển bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc là khai thác phải đi đôi với nghiên cứu bảo tồn và đưa vào trồng trọt. Tuy nhiên, ở nước ta, trong nhiều thập kỷ qua, do dựa vào thế mạnh có nguồn tài nguyên cây thuốc phong phú, nên người dân chỉ dựa vào nguồn dược liệu từ tự nhiên, chưa thực sự chú trọng công tác phát triển cây thuốc, thể hiện ở tỷ lệ khai thác luôn vượt quá tốc độ tái sinh tự nhiên, nhiều cây thuốc đã phải ghi vào sách đỏ. Chính vì vậy, Việt Nam đang dần mất tự chủ về dược liệu; nguồn dược liệu sử dụng trong nước phần lớn vẫn được nhập khẩu.  

Nhận thấy tầm quan trọng của việc phát triển dược liệu, từ năm 2010 đến nay, Thủ tướng chính phủ đã ban hành nhiều chính sách phát triển dược liệu. Cụ thể: Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 và Chỉ thị số 09/CT-TTg ngày 25/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn; Quyết định số 1976/QĐ- TTg ngày 30/3/2013 của Thủ tướng về Phê duyệt quy hoạch tổng thể dược liệu đến năm 2020 và đến năm 2030. Gần đây nhất, ngày 12/4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp chủ trì Hội nghị toàn quốc về phát triển dược liệu Việt Nam. Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng khẳng định tiềm năng to lớn của ngành dược liệu Việt Nam. “Có thể nói kho tàng dược liệu Việt Nam là vô giá và tất cả 63 tỉnh, thành đều có thể phát triển được dược liệu. Dược liệu không chỉ góp phần xóa đói giảm nghèo mà còn giúp làm giàu nếu biết tổ chức và quản lý tốt”.

Trong Quyết định số 2166/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ Tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động của Chính phủ về dược liệu đã chỉ rõ: Việt Nam phải chủ động nguồn dược liệu. Bảo tồn đa dạng nguồn gen cây thuốc kết hợp với khai thác và phát triển dược liệu ổn định bền vững là nhiệm vụ của các cấp, các ngành trong cả nước. Để thực hiện được điều đó, đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo những cán bộ có chuyên môn sâu về dược liệu là hết sức cần thiết.

Đánh giá về công tác đào tạo nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn về dược liệu những năm qua gần như còn bỏ ngỏ. Những cán bộ chuyên môn có trình độ cao về nuôi trồng và phát triển dược liệu trong cả nước không đáng kể. Kết quả thống kê cũng cho thấy nguồn nhân lực về cán bộ kỹ thuật có trình độ về trồng cây dược liệu rất ít. Tất cả các trường đại học khối ngành kỹ thuật nông lâm ngư và các trường dược đều không có chuyên ngành hay ngành đào tạo kỹ sư chuyên ngành cây thuốc với các kiến thức về khoa học trồng trọt, sơ, chế biến, bảo quản dược liệu… Một số trường, trong chương trình đào tạo có môn học “cây thuốc” nhưng cũng chỉ là môn học tự chọn trong ngành Khoa học cây trồng. Những chuyên gia về dược liệu ngày nay, chủ yếu đều là cán bộ kỹ thuật được đào tạo chung về nông nghiệp, nên thiếu những kiến thức chuyên sâu về dược liệu. Điều này dẫn đến mất an ninh dược liệu. Cả nước không làm chủ được nguồn nguyên liệu dược, chất lượng kém ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng. 

Theo dự báo, để phát triển, chủ động được cây dược liệu, đảm bảo mỗi xã có một vườn cây thuốc nam đa dạng và hiệu quả chữa bệnh cao, từ nay đến năm 2020 cả nước cần có ít nhất trên 10.000 nhân lực cán bộ kỹ thuật chuyên sâu về dược liệu công tác tại các trường, viện, trung tâm nghiên cứu dược liệu và là đội ngũ cán bộ quản lý, chỉ đạo sản xuất của các phòng nghiên cứu trực thuộc các tỉnh, huyện, là các cán bộ khuyến nông trực tiếp chỉ đạo sản xuất tại địa bàn nơi quy hoạch vùng sản xuất dược liệu quy mô lớn. Nhân tố quan trọng góp phần đưa dược liệu Việt phát triển xứng đáng với tiềm năng của nó là đội ngũ các doanh nghiệp dược. Theo thống kê của Bộ Y tế, tính đến tháng 2/2017, cả nước có khoảng trên 400 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dược liệu trên toàn quốc, khoảng gần 300 cơ sở sản xuất, chế biến dược liệu, thuốc dược liệu cổ truyền. Những doanh nghiệp này hiện rất cần đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu về nuôi trồng, phát triển dược liệu để thực hiện nhiệm vụ chiến lược chung của quốc gia về phát triển dược liệu Việt.

Để đáp ứng được nhu cầu của xã hội, nhiệm vụ của các trường đại học trong khối kỹ thuật là phải đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn sâu về dược liệu để thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước giao phó.

II. Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong nghiên cứu và đào tạo đồng hành phát triển Dược liệu Việt

Học viện Nông nghiệp Việt Nam (trước đây là Đại học Nông nghiệp I Hà Nội) là trường đầu ngành, có bề dày 63 năm xây dựng và phát triển. Với đội ngũ cán bộ giảng dạy là những chuyên gia hàng đầu về nông nghiệp, có trình độ cao, tâm huyết với nghề, đã đào tạo ra hàng vạn chuyên gia nông nghiệp có trình độ cao đáp ứng được trong các thời kỳ.

Trong lĩnh vực cây dược liệu, từ những năm đầu tiên khi thành lập Học viện, bộ môn Cây công nghiệp và Cây thuốc, Khoa Nông học luôn đồng hành cùng Học viện hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu và đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn vững về khoa học cây trồng nói chung và khoa học cây dược liệu nói riêng. Hiện nay, Học viện là trường đại học đầu tiên có chuyên ngành Khoa học cây dược liệu đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho xã hội. Thực hiện nhiệm vụ chính trị về phát triển dược liệu trong giai đoạn hiện nay, từ năm 2016, Học viện đã thành lập nhóm nghiên cứu mạnh về cây dược liệu. Hiện nhóm nghiên cứu đã và đang hoạt động khá tích cực và đạt được nhiều kết quả cả trong nghiên cứu và đào tạo. Chủ trì nhiều đề tài nghiên cứu về cây liệu triển khai các mô hình phát triển dược liệu trong phạm vi cả nước. Thực hiện tốt liên kết 4 nhà trong đào tạo và nghiên cứu. Liên kết chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dược liệu, vùng sản xuất dược liệu trong cả nước. Các doanh nghiệp, cơ sở đã trở thành nơi rèn nghề, thực hành thực tập chất lượng cao cho sinh viên, học viên cao học.  Các kết quả nghiên cứu đã được các doanh nghiệp ứng dụng vào thực tiễn góp phần phát triển dược liệu Việt, nâng cao vị thế của dược liệu Việt Nam.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO VÀ LIÊN KẾT VỚI DOANH NGHIỆP CỦA NHÓM NGHIÊN CỨU MẠNH CÂY DƯỢC LIỆU

 

Hội thảo với Chuyên gia PGS.TS. Trần Văn Ơn - Trường Đại học Dược, Ông Nguyễn Huy văn và Phó tổng giám đốc Công ty Traphaco trong đào tạo và nghiên cứu cây dược liệu

 

Khảo sát mô hình trồng đinh lăng tại Phú Yên với Công ty Traphaco

 

Khảo sát mô hình trồng ba kích tại Lục Nam với Công ty Lâm y dược Bắc Sơn

Sinh viên chuyên ngành Khoa học cây dược liệu thực tập nghề nghiệp tại Cơ sở dược liệu An bình

 

Cùng chuyên gia dược liệu hướng dẫn học viên cao học kỹ thuật trồng, thu hái hoa cúc


Nhóm nghiên cứu mạnh cây dược liệu

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập43
  • Hôm nay1,804
  • Tháng hiện tại48,210
  • Tổng lượt truy cập5,177,620
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây