Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học, đáp ứng chuẩn đầu ra các ngành đào tạo của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn

Thứ tư - 08/09/2021 15:29

Vững lý thuyết, giàu kỹ năng và nhiệt huyết là những tiêu chí chủ chốt trong các bản tin tuyển dụng. Trong sự vận động không ngừng của nền kinh tế, đòi hỏi của thị trường lao động, đặc biệt là thị trường nhân lực chất lượng cao, ngày càng cao. Theo phản ánh của các tổ chức, doanh nghiệp tuyển dụng, tỷ lệ sinh viên mới ra trường có khả năng làm việc được ngay mà không cần đào tạo lại rất hạn chế. Các nhà tuyển dụng mong đợi sinh viên tốt nghiệp không chỉ giỏi kiến thức chuyên môn mà cần có nhiệt huyết và kỹ năng vận dụng.

Đối với các tổ chức đào tạo, vấn đề đặt ra là “Làm thế nào để sinh viên mới ra trường có thể thích nghi được công việc và tìm được việc làm sớm”. Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng điều quan trọng nhất là phải thay đổi chuẩn đầu ra trong quá trình đào tạo, làm sao chuẩn đầu ra sát với nhu cầu của thị trường lao động. Từ chuẩn đầu ra như vậy, chúng tôi đổi mới thiết kế lại chương trình đào tạo.

Để đạt được các chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, sinh viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn không chỉ được học các kiến thức lý thuyết trên giảng đường mà còn được va chạm thực tế, được trải nghiệm, vận dụng kiến thức vào cuộc sống, được tăng cường các kỹ năng nghiên cứu, tổ chức triển khai các hoạt động nghiên cứu trên thực tế, làm việc với doanh nghiệp, với người dân, với cơ quan quản lý nhà nước. Thêm vào đó, sinh viên chủ động lập kế hoạch triển khai và làm việc theo nhóm.

 Giảng viên, sinh viên đi khảo sát về thực thi chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng tại huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La.
 Giảng viên, sinh viên thăm và làm việc với chính quyền địa phương tại huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
 Sinh viên thảo luận nhóm với nông dân ở huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình.

Trong chương trình học, với sự hướng dẫn của đội ngũ giảng viên nhiệt huyết, giỏi kiến thức, giàu kỹ năng, sinh viên Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn trải qua 2 đợt thực tập chính thức: Thực hành nghề nghiệp và thực tập tốt nghiệp. Trong các đợt thực tập đó, sinh viên được khuyến khích tham gia vào các hoạt động nghiên cứu, tư vấn kỹ thuật cho các địa phương và cho doanh nghiệp cùng với các thầy, cô. Gần đây nhất, trong khuôn khổ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học do Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ quốc gia (Nafosted, 2020-2022), do TS. Nguyễn Minh Đức, Bộ môn Kinh tế làm chủ nhiệm đề tài, đã có trên 50 sinh viên thuộc các chuyên ngành Phát triển nông thôn, Kinh tế nông nghiệp chất lượng cao, Kinh tế đầu tư, Kinh tế tài chính, Kinh tế phát triển tham gia triển khai khảo sát, nghiên cứu tại 4 tỉnh miền núi Tây Bắc là Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên và Lai Châu.

Sau mỗi đợt trải nghiệm thực tế, năng lực của sinh viên được cải thiện rõ rệt. Các kiến thức được vận dụng để giải quyết các vấn đề của cuộc sống làm sâu sắc hơn nền tảng lý thuyết mà các em đã được học, ngược lại các yêu cầu của thực tế tạo động lực cho sinh viên tìm tòi, nghiên cứu khi quay trở lại giảng đường. Các đánh giá của sinh viên sau các đợt đi thực tế đó đã thể hiện điều này.

Bạn Lê Thu Hà, sinh viên K62KTA thổ lộ: Trong đợt tham gia khảo sát cùng TS. Nguyễn Minh Đức với đề tài “Đánh giá ảnh hưởng của chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đến hành vi vảo vệ và phát triển rừng của các hộ gia đình vùng Tây Bắc, Việt Nam”. Em cảm thấy chuyến đi này của mình vô cùng có ý nghĩa và đem lại cho em những trải nghiệm thú vị, ví dụ: Nâng cao tinh thần tự giác, tinh thần trách nhiệm, sự cố gắng nỗ lực hoàn thành mục tiêu trong công việc; Nâng cao kỹ năng làm việc nhóm, tinh thần tập thể. Em được rèn luyện, trau dồi kĩ năng tìm kiếm thông tin, tài liệu, cách lấy thông tin từ các đối tượng được phỏng vấn, rèn luyện kĩ năng giao tiếp với từng đối tượng, phản ứng thích nghi nhanh với các môi trường mới đặc biệt là những vùng dân tộc thiểu số, vì đa phần họ chỉ giao tiếp được bằng tiếng địa phương đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi. Đồng thời em được mở rộng hiểu biết về đời sống văn hóa, xã hội, ẩm thực của người dân ở các vùng dân tộc thiểu số. Về chuyên môn, em hiểu sâu về chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, hiểu được vai trò của môi trường rừng là vô cùng quan trọng đối với sự phát triển và cuộc sống của con người và Chính sách chi trả DVMTR rất đúng đắn và phù hợp trong việc bảo vệ và duy trì hệ sinh thái.”

Bạn Đinh Lê Hoàng, K62-KTNNA chia sẻ “Sau trải nghiệm tham gia khảo sát tại ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên cá nhân em đã được học, thực hành, bổ sung và hoàn thiện thêm cho bản thân nhiều về một số kỹ năng như: làm việc nhóm, giao tiếp, xây dựng kế hoạch làm việc và đặc biệt là kỹ năng điều tra số liệu. Xuyên suốt quá trình khảo sát dưới sự hướng dẫn của thầy cô và làm việc cùng các bạn đã giúp cho bản thân em có nhiều trải nghiệm và những bài học quý giá, được hiểu thêm về cuộc sống của đồng bào các dân tộc khu vực Tây Bắc, các khó khăn mà người dân, cán bộ địa phương những người đang thực thi chính sách gặp phải, đặc biệt là được hiểu thêm về chính sách, cách thực hiện chính sách khác nhau của từng địa phương, thấy được ý thức, nhận thức của người dân về tài nguyên rừng.”

Những phản hồi chân thực và tích cực của các bạn sinh viên chính là nguồn động lực lớn nhất cho thầy cô nói riêng và cho Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn nói chung tích cực đổi mới sáng tạo trong nghiên cứu, giảng dạy và đồng hành cùng sinh viên. Có thể nói, với hơn 60 năm phát triển và trưởng thành, Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn đã gặt hái được nhiều thành công. Sinh viên, học viên của Khoa sau khi tốt nghiệp đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Mọi chi tiết liên hệ: Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn.

Nguyễn Minh Đức,

Nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý phát triển nông thôn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập7
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm6
  • Hôm nay84
  • Tháng hiện tại23,982
  • Tổng lượt truy cập5,113,048
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây