Hội thảo “Ứng dụng KHCN nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây dứa theo chuỗi liên kết tại Việt Nam”

Thứ tư - 15/09/2021 15:28

Dứa là một trong những cây ăn quả quan trọng trên thế giới đứng thứ ba sau chuối và cây có múi, dứa tiêu thụ chủ yếu qua chế biến và ăn tươi. Trong thời gian qua, nhiều địa phương đã xác định dứa là cây trồng chủ lực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng đặc biệt là các vùng đất khó khăn về nước tưới.

Sáng ngày 11/9/2021, Hội thảo “Ứng dụng KHCN nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây dứa theo chuỗi liên kết tại Việt Nam” do nhóm Nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và phát triển giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức đã chính thức khai mạc. Tham dự Hội thảo có hơn 80 nhà khoa học, khách mời đến từ 08 trường đại học, 08 viện nghiên cứu và 12 tổ chức trong và ngoài nước cùng cơ quan báo chí được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom.

 

 
 
 Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến kết nối từ Phòng họp 1, Nhà Hành chính tới các đại biểu tham dự trên nền tảng Zoom

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Việt Nam thuộc nhóm 9 nước có diện tích trồng và sản lượng dứa lớn nhất thế giới (tương ứng bằng 3,40% và 2,36%); đứng thứ 3 ở Đông Nam Á về diện tích (sau Thái Lan, Philippines) và thứ 4 về sản lượng (sau Philippines, Thái Lan, Indonesia). Năm 2020, diện tích trồng dứa cả nước đạt 47.000 ha, chiếm khoảng 4,3% diện tích cây ăn quả của cả nước (1,1 triệu ha). Hội thảo được tổ chức nhằm hướng đến mục tiêu gắn kết lý luận với thực tiễn, ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong sản xuất dứa theo chuỗi liên kết giá trị, cũng như đề xuất các mô hình, giải pháp hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển bền vững cây dứa và thích ứng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

 

 
 PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu khai mạc Hội thảo
 

Hội thảo “Ứng dụng KHCN nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây dứa theo chuỗi liên kết tại Việt Nam” gồm 13 bài tham luận đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức cơ quan trong và ngoài nước bao gồm: Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Lâm nghiệp, Đại học Tiền Giang, Đại học Tây Nguyên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam, Viện Nghiên cứu Rau Quả, Viện Nghiên cứu và Khai thác sáng chế - Bộ KH&CN, Viện Chiến lược & Chính sách KHCN, Học viện KHCN và ĐMST, Bộ KHCN,  Tổ chức Liên minh Nauy tại Việt Nam, Xí nghiệp Dứa suối 2 Ba Vì và UBND huyện Ngọc Lặc, Thanh Hoá.

Bao quát chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ dứa, Hội thảo được chia thành 02 phiên chuyên đề. Phiên 1 với chủ đề “Công nghệ sản xuất dứa” do GS.TS. Vũ Văn Liết - Thư ký Hội đồng Học viện, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển cây trồng chủ trì. Phiên chuyên đề này đã giúp đưa ra góc nhìn toàn cảnh về thực trạng sản xuất dứa tại Việt Nam để thấy được những thách thức và giải pháp trong sản xuất giống, các biện pháp kỹ thuật canh tác dứa theo tiêu chuẩn VietGap và GlobalGap, tiêu chuẩn hữu cơ, phòng trừ sâu bệnh hại nguy hiểm cũng như các kỹ thuật mới trong công nghệ sau thu hoạch và chế biến dứa.

Phiên 2 với chủ đề “Tổ chức sản xuất và vấn đề sở hữu trí tuệ trong phát triển ngành hàng dứa” do PGS.TS. Vũ Thị Thu Hiền - Trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và phát triển giống cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chủ trì. Tại phiên này, các bài tham luận đã giúp các đại biểu tìm hiểu các bài học kinh nghiệm thực tiễn trong sản xuất dứa tại huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hoá, xí nghiệp suối 2, vùng đất Tây Nguyên, vùng cát ven biển Quảng Trị cũng như vai trò của các tổ chức NGOs trong việc hỗ trợ các nông hộ triển khai mô hình trồng dứa theo hướng sản xuất thông minh với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, quyền sở hữu trí tuệ với các sản phẩm trong chuỗi giá trị dứa và các giải pháp nhằm thúc đẩy hoạt động liên kết khai thác sáng chế dựa trên nền tảng ứng dụng sáng chế, khoa học và công nghệ nhằm tăng năng suất, chất lượng, giảm tổn thất sau thu hoạch trong sản xuất, bảo quản và chế biến dứa để xuất khẩu cũng được đưa ra thảo luận sôi nổi.

 

 ThS. Nguyễn Tuấn Anh - Thành viên nhóm Nghiên cứu mạnh Công nghệ chọn tạo và phát triển giống cây trồng trình bày tham luận “Tổng quan tình hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dứa Việt Nam”
 

Cuối chương trình, GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ sự cảm ơn đến các nhà khoa học và các đơn vị tham gia phối hợp tổ chức Hội thảo. Hy vọng rằng, sau buổi hội thảo các nhà khoa học sẽ tiếp tục có những nghiên cứu và chuyển giao công nghệ để tiếp tục phát triển ngành hàng dứa xuyên suốt cả nước.

Với những khó khăn do ảnh hưởng lớn của dịch bệnh COVID-19 gây nên càng đòi hỏi cần phải mạnh dạn thay đổi cách thức trong việc tổ chức các hoạt động khoa học. Việc tổ chức hội thảo trực tuyến đã cho thấy một hướng đi mới của Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc kết nối không giới hạn các nhà nghiên cứu, các tổ chức/doanh nghiệp và chính quyền địa phương để cùng trao đổi, tìm cách ứng dụng lý thuyết khoa học tiên tiến vào thực tế sản xuất dứa trong thời đại kỷ nguyên mới, kỷ nguyên số.

Thông tin chi tiết về Hội thảo và các báo cáo mời quý vị tìm hiểu ở link sau: http://udcncd.vnua.edu.vn

Tác giả bài viết: HỌC VIỆN NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập71
  • Hôm nay1,109
  • Tháng hiện tại32,025
  • Tổng lượt truy cập5,068,426
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây