Ngày 25/8/2021, vừa qua nhóm nghiên cứu mạnh Ngôn ngữ học ứng dụng Tiếng Anh – khoa Sư phạm và Ngoại ngữ, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức seminar với chủ đề “Một số lỗi thường gặp trong báo cáo khóa luận của sinh viên Ngôn ngữ Anh k62 và cách khắc phục” do thạc sỹ Phạm Hương Lan – Bộ môn Tiếng Anh cơ bản trình bày.
Khóa luận tốt nghiệp (KLTN) là bản báo cáo bằng văn bản về nghiên cứu được thực hiện nhằm hoàn thành một phần chương trình Cử nhân. Đây được coi như kì thi của sinh viên năm cuối trước khi tốt nghiệp nhận bằng. Không chỉ là nơi đúc kết lại các kỹ năng và kiến thức được học của sinh viên trong suốt quá trình ngồi trên ghế nhà trường, giúp các giảng viên đánh giá trình độ và khả năng tiếp thu của sinh viên một cách khách quan, chính xác, KLTN còn cho phép sinh viên tìm hiểu các lĩnh vực cụ thể hoặc vấn đề cụ thể một cách chi tiết, đồng thời tạo cơ hội cho sinh viên phát triển và vận dụng khả năng tư duy độc lập và kỹ năng ngôn ngữ của mình. Ngoài việc nhận biết năng lực của sinh viên để đưa ra quyết định cho điểm, xếp loại sinh viên một cách chính xác và công bằng thì yêu cầu sinh viên làm khóa luận tốt nghiệp còn có mục đích tạo điều kiện cho sinh viên có điều kiện và cơ hội nâng cao các khối kiến thức và kỹ năng đã được trang bị tại trường và phát huy sở trường của mình trong công trình nghiên cứu khoa học. Vì vậy việc tìm hiểu về các lỗi trong KLTN có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác hướng dẫn và thực hiện KLTN, giúp giáo viên hướng dẫn đưa ra tư vấn hiệu quả hơn, đồng thời giúp sinh viên ý thức và tránh được các loại lỗi, từ đó nâng cao chất lượng KLTN.
Tại seminar, tác giả đã báo cáo tóm tắt kết quả của nghiên cứu khảo sát về các lỗi thường gặp trong khóa luận tốt nghiệp của sinh viên k62 ngành NNA. Khảo sát được thực hiện thông qua việc phân tích và so sánh 124 phiếu nhận xét/ đánh giá của giáo viên hướng dẫn và giáo viên phản biện đối với 62 KLTN đợt 1. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra có 15 loại lỗi xuất hiện trong KLTN của sinh viên NNA với tần suất khác nhau. Các lỗi phổ biến nhất chiếm tỷ lệ hơn 50% gồm 6 loại lỗi: lỗi trích dẫn, lỗi chính tả và ngữ pháp, lỗi định dạng danh mục tài liệu tham khảo, tổng quan tài liệu thiếu/thừa/không phù hợp, hành văn không rõ ràng, kết quả nghiên cứu trình bày sơ sài/ không trả lời đủ các câu hỏi nghiên cứu. Ngoài ra, 9 loại lỗi còn lại xuất hiện với tần suất ít hơn (dưới 50%) bao gồm: câu hỏi nghiên cứu và mục đích nghiên cứu/nội dung nghiên cứu không tương thích, kết luận không phù hợp với kết quả nghiên cứu, thiếu phân tích và thảo luận trong tổng quan tài liệu, đề xuất/kiến nghị chưa phù hợp với kết quả nghiên cứu, cấu trúc đoạn văn chưa đầy đủ, định dạng toàn văn báo cáo chưa đúng theo yêu cầu, mục đích nghiên cứu chưa rõ ràng, phương pháp nghiên cứu chưa được phân tích/thảo luận đầy đủ, sao chép quá nhiều. Thông qua kết quả khảo sát, thạc sỹ Phạm Hương Lan đưa ra một số đề xuất nhằm giúp sinh viên ngành NNA giảm thiểu việc mắc lỗi trong quá trình viết báo cáo KLTN tại HVNNVN, góp phần mang lại hiệu quả cho công tác hướng dẫn KLTN của khoa SPNN nói riêng và nâng cao chất lượng KLTN nói chung trong toàn Học viện. Cụ thể, đề xuất đối với Học viện gồm: cung cấp nguồn học liệu, tài liệu tham khảo đầy đủ, phong phú hơn nữa cho sinh viên ngành NNA nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc nghiên cứu lý thuyết, viết tổng quan nghiên cứu cho KLTN; giới thiệu và cung cấp tài khoản cho giảng viên và sinh viên có quyền sử dụng các phần mềm hỗ trợ xử lý số liệu, phần mềm kiểm tra đạo văn, phần mềm hỗ trợ trích dẫn trong quá trình hướng dẫn và thực hiện KLTN. Về phía giảng viên, yêu cầu củng cố và nâng cao kiến thức và kỹ năng nghiên cứu khoa học nói chung và kỹ năng hướng dẫn KLTN nói riêng, đảm bảo hiệu quả cao nhất trong công tác hướng dẫn KLT, triển khai các seminar, workshop trước và trong thời gian hướng dẫn KLTN để có thể chia sẻ/trao đổi kinh nghiệm kịp thời giữa các GVHD, phổ biến các seminar có liên quan đến KLTN (giống như seminar này) tới đông đảo sinh viên NNA nhằm giúp sinh viên rút ra bài học cho bản thân thông qua các vấn đề/lỗi mà các KLTN khác đã mắc phải. Ngoài ra, bản thân sinh viên cũng cần tham gia đầy đủ các buổi tập huấn, hướng dẫn chung của Khoa trong thời gian thực hiện KLTN để hiểu rõ quy trình, quy định, yêu cầu cần tuân thủ trong KLTN, tham dự các seminar có liên quan đến KLTN của Khoa SPNN để “học từ lỗi sai của người khác” nhằm tránh mắc lỗi tương tự trong LTN của mình, phải liên hệ thường xuyên, báo cáo đúng tiến độ các kết quả đạt được cho GVHD để kịp thời tham vấn, chỉnh sửa các lỗi xuất hiện trong KLTN trước khi quá muộn trong quá trình thực hiện KLTN.
Nhóm NCM Ngôn ngữ học ứng dụng tiếng Anh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn