Hội nghị tổng kết dự án “Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong các hệ thống canh tác đất dốc vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam”

Thứ ba - 21/06/2022 09:44

Ngày 17/06/2022, tại thành phố Điện Biên Phủ, nhóm nghiên cứu Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn (PTNT), Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia báo cáo tại Hội nghị tổng kết các kết quả và tác động tích cực của Dự án trong các hợp phần phát triển sinh kế và kết nối thị trường do nhóm nghiên cứu phụ trách.

Dự án LPS/2015/037 được tài trợ bởi Chính phủ Úc thông qua Trung tâm Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Úc (ACIAR) được bắt đầu triển khai từ tháng 12 năm 2017 trên địa bàn hai huyện Tuần Giáo và Điện Biên của tỉnh Điện Biên. Ngày 17/06/2022, Hội nghị Tổng kết dự án đã được tổ chức tại thành phố Điện Biên Phủ với sự tham gia của các đối tác thực hiện dự án cũng như nông dân là thành viên các nhóm sở thích chăn nuôi và hợp tác xã chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

TS. Stephen Ives – Giám đốc dự án phía Úc phát biểu khai mạc Hội nghị

Đại biểu tham dự Hội nghị Tổng kết dự án LPS/2015/037
 

Đây là dự án nghiên cứu với sự tham gia của nhiều đối tác, bên cạnh hai đối tác chính phía Việt Nam là Viện Chăn nuôi (NIAS) và Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) cùng đối tác phía Úc là Đại học Tasmania (UTAS), còn có sự tham gia của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên; Đại học Nông lâm Thái Nguyên; Đại học Tây Bắc; Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Hệ thống nông nghiệp (CASRAD); Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông nghiệp Pháp (CIRAD).

Dự án triển khai tại tỉnh Điện Biên, với thời gian thực hiện là 5,5 năm. Mục tiêu chung của dự án này nhằm nâng cao thu nhập của nông hộ chăn nuôi bò từ thâm canh chăn nuôi bò thịt và cải thiện các mối liên kết về thị trường trong các hệ thống chăn nuôi – trồng trọt ở miền núi vùng Tây Bắc Việt Nam. Các mục tiêu cụ thể của Dự án gồm: Nâng cao nhận thức về sự chuyển dịch từ chăn nuôi bò thịt quảng canh sang chăn nuôi thâm canh; Phát triển các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất và thực hành nhằm hỗ trợ các hệ thống chăn nuôi kết hợp trồng trọt mức thâm canh cao hơn; Cải thiện các mối liên kết giữa người dân và các thị trường thành thị; Nâng cao năng lực của các tác nhân tham gia chuỗi thịt bò nhằm hỗ trợ và phát triển mở rộng các hệ thống chăn nuôi bò thịt bền vững ở vùng cao Tây Bắc.

TS. Nguyễn Hữu Nhuần – Phó trưởng Khoa Kinh tế & PTNT trình bày kết quả của Mục tiêu 1
 

Nhóm nghiên cứu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam do PGS.TS Phạm Văn Hùng (Bộ môn Phân tích định lượng, Khoa Kinh tế và PTNT) đã tham gia 3 trong 4 hợp phần của dự án nghiên cứu về sản xuất, thị trường, phân tích sinh kế, trao đổi kiến thức, xác định các rào cản trong chăn nuôi thâm canh bò thịt tại tỉnh Điện Biên; Hoạt động điều tra về hệ thống chăn nuôi; trồng và ủ chua cây thức ăn chăn nuôi. Các thành viên dự đã hỗ trợ thành lập và củng cố được 10 nhóm sở thích cho gần 300 hộ dân tham gia; xây dựng được 02 HTX và kết nối với thị trường tiêu thụ; đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị hội thảo bằng hình thức trực tiếp và trực tiếp trong gần 5 năm qua.

PGS. TS Phạm Văn Hùng, Khoa Kinh tế & PTNT chia sẻ kết quả Mục tiêu 3 và 4
 

Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã triển khai hoạt động nghiên cứu nguồn lực sinh kế của các hộ chăn nuôi bò trên địa bàn nhằm đưa ra hướng chuyển dịch chăn nuôi từ quảng canh, chăn thả tự do sang thâm canh, nuôi nhốt. Từ đó, các nhóm sở thích chăn nuôi đã được hỗ trợ thành lập và các hoạt động hỗ trợ về kỹ thuật, thị trường được triển khai xuống đến người dân. Thị trường thịt bò cũng như chuỗi giá trị thịt bò Điện Biên cũng được nghiên cứu bài bản nhằm chỉ ra các đặc điểm thị trường quan trọng, tiềm năng xây dựng các chuỗi giá trị nhằm giúp giải quyết đầu ra thị trường cho các sản phẩm bò và thịt bò từ các mô hình thâm canh. Trên cơ sở đó, kênh bán lẻ thịt bò Điện Biên đã được xây dựng và vận hành tại Siêu thị Hoa Ba, siêu thị lớn nhất của tỉnh Điện Biên. Sản phẩm thịt bò của kênh đã nhận được phản hồi rất tích cực từ người dân địa phương cũng như khách du lịch tới thành phố Điện Biên Phủ. Nhóm nghiên cứu của Học viện cũng tham gia tích cực cùng các đối tác nước ngoài vào các hoạt động nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển chăn nuôi trâu, bò cho tỉnh Điện Biên, nhằm xác định các chính sách phát triển chăn nuôi trâu, bò cho tỉnh Điện Biên trong dài hạn.

ThS. Phạm Kiều My (Khoa Kinh tế & PTNT), NCS tại UTAS chia sẻ kết quả nghiên cứu từ số liệu dự án

 

Với các kết quả được các đối tác tham gia dự án trình bày trong Hội nghị, ông Stephen Ives (UTAS) - Giám đốc dự án và bà Chu Thị Thanh Xuân – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh Điện Biên cho rằng dự án có tác động rất lớn đến việc thay đổi phương thức chăn nuôi bò nói riêng và đại gia súc nói chung của vùng nghiên cứu và của Tỉnh. Đây là hướng chính nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân tỉnh Điện Biên. Dự án cũng đã được Bà Đại sứ Úc, Robyn Mudie, đánh giá rất cao trong chuyến thăm của mình vào tháng 4 năm 2022.

Các thông tin liên quan có thể theo dõi tại:

(1)  https://vietnamagriculture.nongnghiep.vn/changes-happen-in-dien-bien-thanks-to-the-cattle-production-project-d320827.html;

(2)  https://twitter.com/AusAmbVN/status/1514503938791276547/photo/1

Trong hội nghị, các đại biểu cũng chia sẻ, trao đổi cách thức duy trì và nhân rộng kết quả của dự án sau khi kết thúc vào cuối năm 2022.

 

Trần Thế Cường & Phạm Văn Hùng

Nhóm Nghiên cứu mạnh Liên kết Kinh tế và Phát triển thị trường

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập16
  • Hôm nay1,429
  • Tháng hiện tại6,043
  • Tổng lượt truy cập5,095,109
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây