Hội thảo tham vấn tài liệu tập huấn ToT: Lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông

Thứ năm - 29/07/2021 09:41

Từ năm 2019, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tại Việt Nam (UN Women) đã có nhiều hoạt động hợp tác, trong đó có hoạt động nghiên cứu đánh giá về vai trò của giới trong các hoạt động khuyến nông.

Một trong những hoạt động hợp tác giữa Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và UN Women là tổ chức xây dựng bộ tài liệu hướng dẫn lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông dành cho các đối tượng giảng viên (ToT).

Với mục đích tham vấn ý kiến các đối tượng sử dụng tài liệu và các bên tham gia, làm cơ sở để nhóm biên soạn chỉnh sửa, hoàn thiện tài liệu đảm bảo yêu cầu, chất lượng và hiệu quả, đáp ứng mục tiêu đề ra, vừa qua, Trung tâm KNQG phối hợp với tổ chức UN Women tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý tài liệu lồng ghép giới trong hoạt động khuyến nông.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra ngày càng phức tạp, hội thảo được tổ chức dưới hình thức online với sự tham gia của hơn 100 đại biểu tại các đầu cầu tỉnh Phú Yên, Lào Cai, Hà Nội và các điểm cầu khác trên cả nước.

 
                                                Nhóm tác giả trình bày nội dung tài liệu tại hội thảo

 

Tại hội thảo, các đại biểu được nghe nhóm tác giả đến từ Học viện Nông nghiệp Hà Nội trình bày nội dung tài liệu bao gồm 6 bài: Bài 1. Hệ thống và hoạt động khuyến nông ở Việt Nam; Bài 2. Những khái niệm cơ bản về giới; Bài 3. Sự cần thiết và nguyên tắc lồng ghép giới trong khuyến nông; Bài 4. Phân tích, đánh giá nhu cầu của giới trong khuyến nông; Bài 5. Lập kế hoạch và thực hiện lồng ghép giới trong khuyến nông; Bài 6. Giám sát và đánh giá lồng ghép giới trong khuyến nông. Bên cạnh đó các đại biểu cũng được nghe bài trình bày tổng quan kết quả nghiên cứu lồng ghép giới trong khuyến nông do Ths. Lê Văn Sơn, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Giới, Gia đình và Phát triển cộng đồng. Bài trình bày đã giúp các đại biểu có cách nhìn tốt hơn và đóng góp ý kiến tốt hơn cho tài liệu này.

Theo đánh giá của đại biểu, tài liệu được biên soạn tương đối tốt, bố cục rõ ràng, nội dung mạch lạc, dễ hiểu và dễ thực hành. Các kiến thức về lồng ghép giới đã được đề cập chi tiết và có bài tập cụ thể giúp học viên có thể thực hành và áp dụng vào công việc thực tế tại các địa phương.

Các đại biểu được chia thành 4 nhóm để thảo luận góp ý cho tài liệu, trong đó tập trung thảo luận cách thể hiện việc lồng ghép giới trong các dự án và hoạt động khuyến nông; cân nhắc việc đánh giá các chỉ tiêu lồng ghép giới thông qua bảng chỉ số; đề xuất kiến nghị để bộ tài liệu được hoàn thiện hơn…

Sau khi thảo luận, các đại biểu kiến nghị nhóm tác giả cần đưa thêm các nội dung về nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp 4.0, nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, mô hình hộ nông dân liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị. Cần thay đổi một số hình ảnh minh họa mới cho phù hợp đa dạng vùng miền và có tính hiện đại. Xem xét bổ sung những câu chuyện, bài học kinh nghiệm có hiệu ứng lan tỏa về lồng ghép giới trong công tác khuyến nông mà địa phương đã thực hiện thành công trong những năm qua, Sử dụng các bài tập trong bộ công cụ học hỏi giới (GALS) của Oxfam vì công cụ này khá phù hợp, dễ hiểu và thúc đẩy tính sáng tạo của cộng đồng.

Các đại biểu cũng đề nghị sau khi phát hành cuốn tài liệu, cần có sự khảo sát đánh giá việc sử dụng và khả năng áp dụng cuốn tài liệu trong thực tế để có cơ sở nhân rộng.

PGS.TS. Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm KNQG phát biểu tại hội thảo

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS. Lê Quốc Thanh, giám đốc Trung tâm KNQG cho rằng, mặc dù được tổ chức dưới hình thức trực tuyến song hội thảo tham vấn tài liệu tập huấn ToT lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông vẫn thu hút được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội và đông đảo cá nhân; qua đó thấy được tầm quan trọng và ý nghĩa của việc lồng ghép giới trong các hoạt động khuyến nông. Ông đặt ra vấn đề đối với tài liệu này là cần lồng ghép giới chặt chẽ hơn và làm sâu sắc hơn vai trò của giới trong hoạt động khuyến nông, thúc đẩy vai trò chủ chốt của nữ giới tham gia hoạt động khuyến nông. Ông cũng khẳng định, lồng ghép giới trong khuyến nông là việc rất cần thiết, nếu thực hiện tốt sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách giới trong hoạt động khuyến nông nói riêng, trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung, giúp phụ nữ và nam giới có cơ hội bình đẳng trong tiếp cận dịch vụ khuyến nông.

 

Nguồn báo: Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,140
  • Tháng hiện tại47,546
  • Tổng lượt truy cập5,176,956
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây