Ban Khoa Học Và Công Nghệ - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

http://khcn.vnua.edu.vn


Hội thảo: Đề án “Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025”

Thời gian qua, sự hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế có sự phát triển mạnh mẽ. Cụ thể, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành Kế hoạch số 74/KH-UBND ngày 07/03/2020 về việc triển khai các nội dung hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Từ đó tới nay, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã và đang tiến hành xây dựng nhiều đề án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế. Một trong những đề án quan trọng đó là Đề án “Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025”. Mục tiêu của Đề án nhằm gắn kết giữa phát triển KTNN của Tỉnh với du lịch, góp phần làm gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, đa dạng hóa và nâng cao thu nhập cho nông dân, đa dạng hóa các sản phẩm và dịch vụ du lịch, thúc đẩy phát triển KTNN và xây dựng nông thôn mới của Tỉnh giai đoạn 2021-2025 bền vững.

Để hoàn thiện đề án đảm bảo tính thực tiễn và có tính khả thi cao, ngày 08/12/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Thừa Thiên Huế đã đồng chủ trì tổ chức Hội thảo xin ý kiến góp ý bản thảo Đề án “Phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 – 2025”. Hội thảo được tổ chức và kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom. Tham dự hội thảo, về phía tỉnh Thừa Thiên Huế có đồng chí Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT - Đồng chủ trì Hội thảo; Đại diện lãnh đạo các Sở: Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Tài nguyên môi trường, Thông tin và truyền thông; Đại diện lãnh đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc Sở gồm: Phòng Kế hoạch – Tài Chính, Chi cục PTNT, Chi cục Trồng trọt và BVTV, Chi cục Chăn nuôi - Thú y, Chi cục Thủy Sản, Chi cục Kiểm Lâm, Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản, Trung tâm Khuyến nông; Đại diện lãnh đạo UBND, Phòng NN&PTNT/Phòng Kinh tế, Phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, thị xã và thành phố của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam có PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện - Đồng chủ trì Hội thảo, đại diện Ban Khoa học và Công nghệ; Tại điểm cầu Khoa Kế toán và Quản trị kinh doanh có PGS.TS. Đỗ Quang Giám - Trưởng Khoa - Chủ trì nhiệm vụ xây dựng Đề án và các thành viên chính trong tổ công tác xây dựng Đề án: TS. Nguyễn Hải Núi, TS. Phí Thị Diễm Hồng, TS. Nguyễn Hùng Anh, Th.S Lê Thanh Hà. Bên cạnh đó, Hội thảo còn có sự tham gia trực tuyến của các thành viên tổ công tác xây dựng Đề án, các cán bộ nghiên cứu, nhà khoa học, cán bộ giảng viên, nghiên cứu sinh và sinh viên của Học viện.

Các đại biểu tham dự Hội thảo từ các điểm cầu được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom

    PGS.TS. Phạm Bảo Dương - PGĐ Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo


Đồng tình với quan điểm đó, đồng chí Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT cũng khẳng định vai trò của sự hợp tác với Học viện Nông nghiệp Việt Nam. Đồng chí Giám đốc Sở đánh giá cao năng lực và kinh nghiệm nghiên cứu của Học viện. Nói về Đề án, đồng chí khẳng định vị trí quan trọng của đề án trong sự phát triển chung của tỉnh giai đoạn 2021 – 2025.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam gửi lời chào mừng nồng nhiệt tới các quý vị đại biểu đại diện tham dự Hội thảo. Phó Giám đốc khẳng định sự mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế. Học viện sẽ có những đóng góp cho sự phát triển của tỉnh nói chung và lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nói riêng.

Đồng chí Nguyễn Đình Đức – Giám đốc Sở NN&PTNT đồng chủ trì Hội thảo và đại diện lãnh đạo các đơn vị tại điểm cầu Sở NN&PTNT

Trình bày báo cáo, PGS.TS Đỗ Quang Giám – Chủ nhiệm nhiệm vụ xây dựng đề án khẳng định Thừa Thiên Huế là địa phương giàu tiềm năng du lịch đó là các loại hình du lịch di sản, văn hóa, lịch sử, tâm linh, ẩm thực, cộng đồng; cảnh quan sinh thái; du lịch nông nghiệp như cây ăn trái, rau, hoa, cây cảnh, cây dược liệu, trang trại, đầm phá, v.v… Phát triển KTNN gắn với du lịch đã xuất hiện ở một số địa phương, song còn tự phát, manh mún, chưa được Tỉnh quan tâm đúng mức, chưa có đề án cụ thể. Để tạo chuyển biến tích cực trong phát triển KTNN gắn với du lịch, góp phần đưa SXNN của Tỉnh phát triển bền vững, thì các sản phẩm/dịch vụ tạo ra phải được gắn với các chuỗi du lịch, tạo thành thương hiệu đặc thù của địa phương, có uy tín, có chất lượng, an toàn phục vụ cho người dân và du khách, qua đó nâng cao giá trị gia tăng, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân.

PGS.TS. Đỗ Quang Giám trình bày báo cáo tại Hội thảo


Sau báo cáo của PGS. TS Đỗ Quang Giám, tổ công tác đã nhận được 11 ý kiến của đại diện các Sở, đại diện các cơ quan/ đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, đại diện các huyện, thị xã và thành phố trực thuộc Tỉnh. Các ý kiến đều đồng tình với nội dung báo cáo và khẳng định báo cáo đã phản ánh đúng thực trạng, các giải pháp đề xuất rất sát với thực tế của địa phương. Báo cáo thể hiện sự công phu và trách nhiệm của tổ công tác xây dựng đề án. Các ý kiến cho rằng thu nhập tăng thêm từ hoạt động kinh tế nông nghiệp gắn với du lịch có ý nghĩa quan trọng đối với người nông dân và cộng đồng nông thôn và đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế ở các địa phương trong Tỉnh.Để xây dựng đề án, tổ công tác đã hệ thống hóa cơ sở khoa học về phát triển KTNN gắn với du lịch, tổng hợp các kinh nghiệm trong nước và nước ngoài. Báo cáo đề án cũng đã chỉ rõ tiềm năng phát triển KTNN gắn với du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, bên cạnh đó là đánh giá nhu cầu và tiềm năng, đánh giá thời cơ và thách thức trong phát triển KTNN gắn với du lịch của Tỉnh. Đề án đã đề xuất các nhiệm vụ phát triển KTNN gắn với du lịch cụ thể cho 09 huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025. Đề án được triển khai thực hiện sẽ giúp Tỉnh sớm hoàn thành mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, góp phần thúc đẩy hoạt động KTNN của Tỉnh theo hướng sinh thái, hiện đại, đa dạng hóa và phát triển bền vững, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn của Tỉnh. Hơn nữa, Đề án này còn góp phần hoàn thiện bức tranh du lịch tỉnh, giúp cho du khách có nhiều lựa chọn các sản phẩm du lịch hơn và giúp cho ngành du lịch của Tỉnh ngày càng phát triển theo hướng xanh và bền vững.

Bế mạc buổi hội thảo, cả PGS.TS Phạm Bảo Dương và đồng chí Nguyễn Minh Đức đều khẳng định Đề án là sản phẩm của cả Học viện Nông nghiệp Việt Nam và tỉnh Thừa Thiên Huế, và đề nghị tổ công tác xây dựng Đề án tiếp thu ý kiến góp ý để sớm hoàn thiện Đề án trình UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt. Cuối cùng, PGS.TS Đỗ Quang Giám thay mặt tổ công tác xây dựng Đề án cảm ơn các ý kiến đóng góp của các Quý vị đại biểu tại Hội thảo và xin tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện Đề án.

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây