Ban Khoa Học Và Công Nghệ - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

http://khcn.vnua.edu.vn


Hội thảo “Phát triển sản xuất cây vải Việt Nam theo chuỗi liên kết”

Với mục tiêu chia sẻ tiến bộ kỹ thuật, công nghệ và mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ quả vải theo chuỗi nhằm nâng cao giá trị sản phẩm vải Việt Nam, sáng ngày 05/10/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “Phát triển sản xuất cây vải Việt Nam theo chuỗi liên kết”. Tham dự Hội thảo có trên 70 khách mời, 11 diễn giả đến từ 2 trường đại học, 2 viện nghiên cứu, 3 tổ chức quản lý công và 3 doanh nghiệp được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom.

 

 
 
                            Toàn cảnh Hội thảo tại Phòng họp 1, Nhà Hành chính, Học viện Nông nghiệp Việt Nam
 
 
                                        Các đại biểu tham dự Hội thảo được kết nối trực tuyến trên nền tảng Zoom


Phát biểu chào mừng Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, trên thế giới có 20 nước trồng vải, chủ yếu tập trung ở các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hiện nay, nước ta có 41 tỉnh trồng vải với diện tích đạt khoảng 58.000ha với sản lượng 380.600 tấn; trong đó diện tích vải trồng tập trung tại các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Quảng Ninh.

Trong những năm gần đây, sản xuất cây ăn quả tại Việt Nam ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển ổn định về diện tích, sản lượng và giá trị, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. PGS.TS. Phạm Bảo Dương hi vọng, những thông tin được chia sẻ trong Hội thảo sẽ góp phần định hướng, chiến lược, qui hoạch, sản xuất và kinh doanh cây vải có hiệu quả ở Việt Nam.

                    PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng Hội thảo


Hội thảo “Phát triển sản xuất cây vải Việt Nam theo chuỗi liên kết” gồm 11 bài tham luận đến từ Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Viện Nghiên cứu Rau quả, Viện KHKT Nông Lâm Nghiệp miền Núi phía Bắc, Phòng Kinh tế thành phố Pleiku - Gia Lai, UBND huyện Lục Ngạn - Bắc Giang, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, Đại học Nông Lâm Bắc Giang, Viện Nghiên cứu Chuyển đổi số ASEAN, Công ty Cổ phẩn Xuất nhập khẩu Thực phẩm Toàn Cầu và Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

 
 Bà Nguyễn Thành Thực - Ủy viên BCH Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA) trình bày tham luận “Hiện trạng, khó khăn và giải pháp trong cung ứng sản phẩm vải thiều cho thị trường xuất khẩu và nội địa”


Hội thảo được chia thành 2 chuyên đề. Chuyên đề 1 “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong nhân giống, sản xuất và rải vụ thu hoạch vải” do PGS.TS. Trần Văn Quang - Trưởng khoa Nông học chủ trì. Trong phiên chuyên đề này, các nhà khoa học đã tiến hành thảo luận nội dung liên quan đến việc ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật trong chọn tạo, nhân giống, sản xuất và rải vụ thu hoạch vải. Bên cạnh đó, phiên chuyên đề còn giúp các đại biểu tìm hiểu các bài học kinh nghiệm thực tiễn trong phát triển cây vải chín sớm tại Tây Nguyên, các biện pháp quản lý vùng trồng vải theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP tại Bắc Giang, đáp ứng yêu cầu nhà phân phối trong nước và xuất khẩu.

Chuyên đề 2 “Liên kết thị trường, chính sách và xuất khẩu cho sản phẩm vải” do TS. Chu Anh Tiệp -  chủ trì. Phiên chuyên đề này đã đưa ra một số giải pháp liên kết chuỗi tiêu thụ vải thị trường nội địa và xuất khẩu. Đồng thời, các đại biểu còn tiến hành thảo luận những kinh nghiệm tổ chức tiêu thụ vải thiều và nông sản tại Bắc Giang trong tình hình khó khăn của dịch bệnh COVID-19 và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện chuỗi giá trị vải thiều Lục Ngạn.

Vải là cây ăn quả thế mạnh của Việt Nam đã xuất khẩu sang các thị trường như Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hà Lan… Đây cũng là cây ăn quả chủ lực của nhiều địa phương, mang lại nguồn thu nhập và công việc của hàng triệu lao động. Hội thảo “Phát triển sản xuất cây vải Việt Nam theo chuỗi liên kết” đã đưa ra những thông tin hữu ích nhằm thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vải trong bối cảnh thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh COVID-19.

Thông tin chi tiết về Hội thảo và các báo cáo mời quý vị tìm hiểu ở link sau: http://hoithaovai.vnua.edu.vn/

 

Tin, ảnh: Lan Hương - TT QHCC&HTSV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây