Ban Khoa Học Và Công Nghệ - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

http://khcn.vnua.edu.vn


Hội thảo “Ứng dụng Khoa học công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây sầu riêng theo chuỗi liên kết tại Việt Nam”

Cây sầu riêng là cây ăn quả nhiệt đới rất được ưa chuộng ở các nước Đông Nam Á. Tại Việt Nam, sầu riêng là cây ăn quả chủ lực của nhiều địa phương ở Đồng Bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia như Trung Quốc, Lào, Đài Loan, Hồng Kông… Quả sầu riêng có thể sử dụng được dưới nhiều cách khác nhau như: quả tươi, chế biến, đông lạnh; mang lại giá trị kinh tế và hàm lượng dinh dưỡng cao. Do vậy, đẩy mạnh việc phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có của cây sầu riêng nâng cao giá trị sản xuất và hiệu quả kinh tế thì việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sầu riêng là rất cần thiết

           Sáng ngày 27/11/2021, Hội thảo “Ứng dụng Khoa học công nghệ nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây sầu riêng theo chuỗi liên kết tại Việt Nam” do nhóm Nghiên cứu mạnh Sinh lý – Sinh thái cây trồng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam được tổ chức trên nền tảng Zoom. Hội thảo đã kết nối trực tuyến đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học đến từ các Trường đại học, các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và tiêu thụ sầu riêng ở Việt Nam.


Hội thảo kết nối trực tuyến các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cả nước
 
          Phát biểu khai mạc tại Hội nghị, PGS.TS. Phạm Bảo Dương – Phó giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, cây sầu riêng là cây trồng có giá trị kinh tế quan trọng của các nước Đông Nam Á. Trong những năm gần đây, sản xuất cây sầu riêng ngày càng được quan tâm đầu tư và phát triển về diện tích, sản lượng để phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Từ năm 2018 đến năm 2020 ở Việt Nam, diện tích cây sầu riêng trên cả nước liên tục tăng từ 47.295,5 tăng lên 70.012,3 ha. Trong đó, Đồng Bằng sông Cửu Long có diện tích sầu riêng từ 18.794,9 (2018) tăng lên 24.913,6 ha. Từ năm 2020, tình hình đại dịch Covid - 19 cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã tác động đáng kể đến quá trình trồng, chăm sóc, chế biến, thu mua và vận chuyển sầu riêng. Hiện nay, việc ứng dụng tiến bộ KHCN nhằm nâng cao giá trị và phát triển bền vững cây sầu riêng theo chuỗi liên kết là một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu của Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của Thủ tướng chính phủ. Do vậy, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá thực trạng ứng dụng công nghệ và giải pháp liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sầu riêng theo chuỗi góp phần nâng cao giá trị sản phẩm bền vững.

          Hội thảo diễn ra trong một ngày với 11 bài tham luận đến từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Tây Nguyên, Viện nghiên cứu Cây ăn quả Miền Nam, Viện nghiên cứu Nông nghiệp Hữu cơ Á châu, Viện KHKT NLN Tây Nguyên, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang, Công ty TNHH XNK Trái cây Chánh Thu, Hiệp hội số Nông nghiệp VIDA… Chủ trì phiên hội thảo do PGS.TS. Trần Văn Quang - Trưởng khoa Nông học và TS. Trần Anh Tuấn - Trưởng Bộ môn Sinh lý thực vật đồng chủ trì phiên thảo luận. Hội thảo tập trung vào việc đánh giá hiện trạng, khó khăn và một số giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ, xuất khẩu sầu riêng tại Việt Nam; ứng dụng KHCN trong việc chọn tạo giống, canh tác và công nghệ chế biến sầu riêng tại Việt Nam, đồng thời lắng nghe kinh nghiệm, các giải pháp xây dựng chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sầu riêng và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý vùng trồng của doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu xuất khẩu và phát triển bền vững ngành sản xuất sầu riêng ở nước ta.

 

Hội thảo lắng nghe bài trình bày của GS. TS. Trần Văn Hâu – Đại học Cần Thơ về sự ra hoa và biện pháp xử lý ra hoa sầu riêng
Hội thảo lắng nghe bài trình bày của Bà Ngô Tường Vy – Phó Giám đốc CT TNHH XNK Trái cây Chánh thu về liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sầu riêng tại Bến Tre 

 
        Cuối chương trình, PGS.TS. Trần Văn Quang – Trưởng khoa Nông học đã bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc đến các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, các tổ chức, doanh nghiệp và các đơn vị tham gia Hội thảo. Học viện cũng hy vọng, thành công của hội thảo sẽ kết nối các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu và doanh nghiệp để nâng cao giá trị và thúc đẩy sự phát triển bền vững cây sầu riêng tại Việt Nam.

Ban Khoa học và Công nghệ - Nhóm NCM Sinh lý - Sinh thái cây trồng

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây