Hội thảo tập huấn chuyên đề “Kiểm soát mầm bệnh thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm”
- Thứ hai - 09/09/2024 16:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Đảm bảo kiểm soát mầm bệnh thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm không chỉ quan trọng đối với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng mà còn quan trọng đối với hoạt động xuất nhập khẩu thực phẩm của Việt Nam.
Nhằm cung cấp hiểu biết cơ bản về mầm bệnh thực phẩm do vi sinh vật có hại, đồng thời đi sâu tìm hiểu vào các kế hoạch, chiến lược phòng ngừa và biện pháp thực hành tốt khác nhau, vào ngày 4/9/2024, nhóm Nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và An toàn thực phẩm kết hợp cùng các chuyên gia đến từ Malaysia đã tổ chức tập huấn chuyên ngành với chủ đề “Kiểm soát mầm bệnh thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm”.
Ngoài ra, những kỹ thuật như: công nghệ ozone, kỹ thuật xét nghiệm nhanh trong phòng thí nghiệm, hệ thống tổng hợp kết quả thông qua dữ liệu đám mây,… cũng đã được trình bày và thảo luận.
Diễn giả trình bày của Malaysia gồm có: ông Chandraprasad S Rajangan, giám đốc công ty Everest 23 Professional Solutions Sendirian Berhad; ông Lu Kok Wah, điều hành công ty Medklinn International Sendirian Berhad; ông Wong Lian Hin và ông Muhammad Arif Bin Kamaruddin từ công ty Perfect Laboratory Sendirian Berhad.
Tập huấn chuyên đề có sự tham gia của các học viên là lãnh đạo và chuyên viên kỹ thuật từ 15 công ty, doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến thực phẩm, giảng viên, nghiên cứu viên từ 5 trường đại học, viện nghiên cứu, thành viên nhóm nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và an toàn thực phẩm cùng giảng viên, nghiên cứu viên, Khoa Công nghệ thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy –trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và An toàn thực phẩm phát biểu chào mừng |
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Thủy – trưởng nhóm Nghiên cứu mạnh Vi sinh vật và An toàn thực phẩm đã phát biểu chào mừng, nêu rõ mục đích hội thảo, tầm quan trọng của kiểm soát mầm bệnh do thực phẩm tại các cơ sở chế biến thực phẩm đối với việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng hiện nay.
Tại buổi hội thảo, ông Chandraprasad S Rajangan - Giám đốc công ty Everest 23 đã cung cấp thông tin về nhiều chủ đề khác nhau xoay quanh kiểm soát mầm bệnh thực phẩm tại cơ sở chế biến thực phẩm.
Ông Chandraprasad S Rajangan - Giám đốc công ty Everest 23 (Malaysia) trình bày tại buổi hội thảo |
Nội dung chính được trình bày bao gồm:
1. Nguyên nhân và tác động của mầm bệnh từ thực phẩm: Mầm bệnh có thể xuất hiện trong chuỗi cung ứng thực phẩm từ các nguồn động vật, thực vật hoặc môi trường. Các yếu tố như nhiệt độ, thời gian lưu trữ, điều kiện môi trường và xử lý thực phẩm đều ảnh hưởng đến sự phát triển và lây lan của mầm bệnh.
2. Các chiến lược kiểm soát mầm bệnh: (i) Phòng ngừa: quản lý nguyên liệu thô, hạn chế tác nhân môi trường bên ngoài, đào tạo đội ngũ nhân viên, và áp dụng các hệ thống giám sát môi trường (EMP). (ii) Dự đoán: sử dụng dữ liệu và trực giác để cải thiện các biện pháp phòng ngừa, chuẩn bị cho các tình huống bất ngờ và theo dõi các nhà cung cấp mới.
3. Hệ thống giám sát môi trường (EMP): EMP là một phần quan trọng của chương trình an toàn thực phẩm, giúp phát hiện mầm bệnh/sinh vật gây hư hỏng trong môi trường trước khi chúng gây ô nhiễm sản phẩm thực phẩm. Quy trình EMP bao gồm việc lập kế hoạch, thực hiện, kiểm tra và hành động dựa trên kết quả phân tích dữ liệu.
4. Ứng dụng công nghệ số trong kiểm soát mầm bệnh: Sử dụng hệ thống dựa trên đám mây (CBS) để thu thập, phân tích dữ liệu và ra quyết định nhanh chóng, chính xác. Công nghệ số hỗ trợ việc phân tích dữ liệu, tự động hóa phòng thí nghiệm, và cải thiện tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
5. Thực hành tốt nhất trong kiểm soát mầm bệnh: Cải thiện GMP và các quy trình sản xuất để giảm thiểu nguy cơ nhiễm chéo. Liên tục đánh giá và tối ưu hóa EMP để tăng cường hiệu quả kiểm soát mầm bệnh.
Ngoài ra, nhóm khách mời Malaysia còn có phần diễn thuyết và trình diễn công nghệ về hệ thống xử lý ozone trong nhà máy thực phẩm và xét nghiệm nhanh trong phòng thí nghiệm, cũng nhận được nhiều sự quan tâm từ phía các học viên đến từ các cơ sở sản xuất, chế biến trong ngành thực phẩm.
Bài trình bày của diễn giả giúp học viên nâng cao hiểu biết cơ bản về mầm bệnh từ thực phẩm từ đó áp dụng các chiến lược kiểm soát đối với các mầm bệnh chính, ứng dụng các công nghệ mới nhất để kiểm soát mầm bệnh trong nhà máy chế biến thực phẩm.
Ông Lu Kok Wah trình bày về công nghệ xử lý ozone trong các nhà máy thực phẩm |
Cuối buổi làm việc, học viên đặt ra nhiều câu hỏi cho nhóm diễn giả về các biện pháp kiểm soát mối nguy trong nhà máy thực phẩm, cùng với đó diễn giả cũng đưa ra nhiều ý kiến góp ý, đồng thời cung cấp nhiều công cụ miễn phí, giúp cho việc kiểm soát các mầm bệnh được thực hiện dễ dàng và chính xác hơn. Buổi hội thảo đã giúp học viên tăng cường nhận thức về các mầm bệnh trong thực phẩm đồng thời tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp và các nhà khoa học làm việc trong các lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm.
Một số hình ảnh khác tại hội thảo