Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết đồng bộ các vướng mắc
- Thứ năm - 26/10/2023 23:03
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Từ cuối năm 2022, hoạt động lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được đánh giá là một trong những hoạt động kinh tế, xã hội sôi nổi nhất, thu hút rất nhiều sự quan tâm của các tầng lớp nhân dân, các địa phương, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp bởi đây là dự án luật có vai trò, tác động vô cùng lớn tới nhiều mặt của đời sống nhân dân.
PGS.TS Trần Trọng Phương |
Kỳ vọng của những người làm nghiên cứu khoa học, công tác giảng dạy về quản lý đất đai, Kỳ vọng Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết đồng bộ các vướng mắc tài nguyên và môi trường cũng như người dân, cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương là mong muốn Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) lần này sẽ tạo ra một hành lang pháp lý rõ ràng, rành mạch, đầy đủ, nhưng cũng linh hoạt, thuận tiện nhất, để tháo gỡ các điểm nghẽn đang hiện hữu, tác động rất lớn đến đời sống hiện nay của người dân - Đây cũng là mong muốn của PGS.TS Trần Trọng Phương, Trưởng khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ với phóng viên Tạp chí TN&MT.
PV: Được biết, đầu tháng 9/2023 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo khoa học Quản lý đất đai lần thứ I - 2023 với chủ đề: “Nguồn lực đất đai để phát triển kinh tế - xã hội”- đây là một sáng kiến rất ý nghĩa của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Nông Lâm - Đại học Huế và Trường Đại học Cần Thơ. Xin ông chia sẻ lại về mục tiêu của hội thảo này?
PGS.TS. Trần Trọng Phương: Sáng kiến này cũng chính là buổi trao đổi chuyên môn của chúng tôi đó là, Khoa Tài nguyên và Môi trường (Học viện Nông nghiệp Việt Nam); Khoa Tài nguyên đất và Môi trường Nông nghiệp (Đại học Nông lâm Huế) và Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên (Đại học Cần Thơ). Hội thảo là diễn đàn để các nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh, các học viên của các Trường Đại học, Học viện, Viện nghiên cứu; Chuyên gia trong nước và quốc tế; Nhà quản lý từ các Bộ, Sở, Ban ngành liên quan; các công ty, doanh nghiệp trong cả nước gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như học thuật trong lĩnh vực Quản lý đất đai.
Các chủ đề chính của Hội thảo khoa học Quản lý đất đai toàn quốc lần thứ I bao gồm: Khai thác nguồn lực đất đai để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; Khai thác nguồn lực tài chính từ đất đai; Một số phương pháp định giá đất; Phát triển quỹ đất cho phát triển kinh tế xã hội; Quy hoạch sử dụng đất trong thời đại công nghệ số: cơ hội và thách thức; Đô thị hóa và sử dụng đất; Quản lý bền vững tài nguyên đất đai; Quản lý hồ sơ địa chính trong giai đoạn hiện nay; Ứng dụng công nghệ Trắc địa bản đồ trong khai thác, sử dụng và quản lý tài nguyên đất đai; Ứng dụng viễn thám và GIS trong quản lý và sử dụng đất; Ô nhiễm môi trường đất và giải pháp xử lý; Sử dụng đất và Biến đổi khí hậu.
Đây là hoạt động có ý nghĩa rất lớn, góp phần chuyển tải những ý kiến tâm huyết của các nhà khoa học, các chuyên gia đến các nhà hoạch định chính sách để tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật đất đai trong bối cảnh Chính phủ đang hoàn thiện Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) để trình Quốc hội Khóa XV trong tháng 10/2023.
PV: Tại những đợt lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Đất đai vừa qua, ông nhận thấy các chuyên gia, nhà khoa học tập trung góp ý vào nhóm vấn đề gì nhiều nhất? Cá nhân ông đã góp ý nội dung gì, thưa ông?
PGS.TS. Trần Trọng Phương: Luật Đất đai là văn bản quy phạm pháp luật có tác động lớn đến mọi mặt của đời sống của từng cá nhân và cộng đồng, đến môi trường đầu tư, kinh doanh và các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Để phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của thế giới, các chính sách mới và nội dung cơ bản của dự thảo luật đã có nhiều điểm mới nổi bật và mang tính đột phá quan trọng như: đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện việc giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; cơ chế xác định giá đất theo nguyên tắc thị trường; chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; các quy định pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, phát triển quỹ đất… Đây là các chính sách vô cùng thiết thực, phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Tuy nhiên, có một số vấn đề rất cần được xem xét lại để đảm bảo tính khả thi Luật đất đai (sửa đổi) và có hiệu lực. Chẳng hạn, theo ý kiến cá nhân tôi, về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, dự thảo Luật nêu quy định khi thu hồi đất phải được 100% người dân đồng tình sẽ khó thực hiện và triển khai không khả thi. Thực tế cho thấy, việc thu hồi đất luôn là câu chuyện khó khăn, có thể nói là rất khó để nhận được sự đồng thuận của 100% người có đất bị thu hồi. Do đó, nên đề xuất tỉ lệ 80% sự đồng thuận là có thể tiến hành phương án thu hồi. Bên cạnh đó, để bảo đảm cho người bị thu hồi đất ở yên tâm, không thắc mắc, khiếu kiện, chất lượng khu tái định cư cần có sự kiểm định của cơ quan quản lý xây dựng chính quyền địa phương nơi có dự án bố trí tái định cư. Về tiêu chuẩn của khu tái định cư cũng đã được nêu rất rõ, phải bảo đảm hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật và phù hợp với văn hóa địa phương…
Ngoài ra, tôi cũng đã có ý kiến đề xuất dự thảo Luật cần giải quyết được vấn đề các dự án treo, chậm tiến độ, sử dụng sai mục đích ban đầu. Hiện nay ở rất nhiều tỉnh, thành phố có rất nhiều dự án được cấp phép đầu tư nhưng chậm triển khai hoặc chỉ thực hiện vài bước thủ tục, sau đó không triển khai 5 năm, thậm chí 10 năm gây lãng phí và bức xúc cho người dân. Bên cạnh đó, người dân có đất bị thu hồi thì không có đất sản xuất và địa phương cũng rất cần những khu đất để thu hút đầu tư mà không có...
PV: Ông tin tưởng và kỳ vọng như thế nào vào dự thảo Luật Đất đai lần này?
PGS.TS. Trần Trọng Phương: Tôi rất mong là những nội dung, chủ trương lớn được đưa ra trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) khi triển khai thực hiện sẽ tạo sự đồng thuận trong nhân dân và phải đảm bảo hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, chủ đầu tư và người dân để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, đảm bảo an ninh quốc phòng; tháo gỡ được vướng mắc, tồn tại trong lĩnh vực quản lý sử dụng đất đai hiện nay.
PV: Vậy khi Luật Đất đai được thông qua, Khoa Tài nguyên và Môi trường sẽ có kế hoạch cập nhật và triển khai đưa những nội dung mới có liên quan vào giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật như thế nào thưa ông?
PGS.TS. Trần Trọng Phương: Khoa Tài nguyên và Môi trường, Học viện Nông nghiệp Việt Nam là Khoa có số lượng cán bộ đông nhất Học viện với 102 CBVC. Khoa có 11 bộ môn, đào tạo 5 chuyên ngành Đại học (Quản lý đất đai, Quản lý Bất động sản, Quản lý Tài nguyên Môi trường, Khoa học Môi trường, Khoa học đất), 3 chuyên ngành sau đại học (Đào tạo Thạc sĩ, Tiến sĩ các ngành: Quản lý đất đai, Khoa học Môi trường và Khoa học đất). Khoa có nguồn nhân lực chất lượng cao, thầy cô được đào tạo bài bản ở các nước nước có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới (1 NGND, 2 NGƯT; 2 GS, 15 PGS, 36 TS, 33 ThS…). Bên cạnh đó về KHCN trong lĩnh vực Tài nguyên và Môi trường, Khoa đã chủ trì và tham gia trên 36 đề tài cấp Nhà nước, dự án hợp tác quốc tế; chủ trì trên 100 đề tài cấp Bộ, tỉnh; hàng trăm đề tài cấp cơ sở, chuyển giao KHCN vào sản xuất ở hầu hết các tỉnh, thành trên toàn quốc cũng như các nước và tổ chức quốc tế.
Với Giá trị cốt lõi “Chất lượng - Hiệu quả - Sáng tạo” và Triết lý giáo dục “Kiến tạo” trải qua 47 năm xây dựng và phát triển, nhiều lớp thế hệ sinh viên của Khoa Tài nguyên và Môi trường đã trưởng thành và đóng góp vào sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước và các địa phương. Nhiều thế hệ sinh viên tài năng của Khoa đã trở thành Lãnh đạo tại các cơ quan của Bộ Tài nguyên Môi trường, Lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các quận huyện, Lãnh đạo các Viện nghiên cứu, các Trường Đại học, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh và Giám đốc các doanh nghiệp có uy tín trên cả nước.
Khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua, Khoa sẽ có kế hoạch cập nhật và triển khai ngay những nội dung mới có liên quan vào giảng dạy, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ để thầy cô và cán bộ trong Khoa cũng như người học nắm bắt các kiến thức mới của Luật đất đai (sửa đổi) để tất cả cán bộ và người học vận dụng nhanh chóng các kiến thức đó nhằm truyền tải các kiến thức này được sâu rộng nhất, bám sát vào thực tiễn và sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Bên cạnh đó, Khoa sẽ tham gia cùng các địa phương trong việc phối kết hợp tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật đất đai đến người dân.
10 năm không phải là dài đối với sức sống của một đạo luật nhưng chừng đấy thời gian cũng đã đủ để kiểm chứng về tính hợp lý, tính khả thi của một đạo luật, nhất là trong bối cảnh các quan hệ xã hội liên quan đến đất đai chuyển động không ngừng. Để có được một đạo luật tốt, rất cần một dự thảo có chất lượng với góc nhìn đa diện của nhiều chủ thể. Trong tương quan này, không thể bỏ qua các góp ý tâm huyết, chất lượng của nhân dân.
Tất cả nội dung nóng nhất trong quan hệ pháp luật đất đai cho dù khó khăn và phức tạp thế nào cũng đều đã được nhân dân “bắt bệnh, kê toa”. Vấn đề còn lại là họ chờ đợi quyền quyết định cuối cùng - quyền “chữa trị” của QH. Do đó, tiếp thu hay không tiếp thu, thay đổi hay giữ nguyên phương án điều chỉnh đều cần phải được xem xét một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng và phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.
Minh Đức (thực hiện)