Những tiếp cận mới trong quản lý thực phẩm theo tiêu chuẩn Châu Âu
- Thứ ba - 31/07/2018 22:09
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong khuôn khổ các dự án hợp tác quốc tế của Học viện Nông nghiệp Việt Nam với các đối tác Châu Âu do EU tài trợ thuộc lĩnh vực Quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, Khoa Công nghệ thực phẩm đã tổ chức thành công khoá tập huấn từ ngày 19 – 22/6/2018 với chủ đề “Xu hướng mới trong quản lý An toàn thực phẩm” với sự tham gia của Giáo sư Alessandra Guidi, chuyên gia trong lĩnh vực quản lý an toàn thực phẩm đến từ trường Đại học Pisa, Ý.
Khóa tập huấn đã thu hút các giảng viên đến từ khoa Công nghệ thực phẩm, Kinh tế và Phát triển nông thôn, Khoa Chăn nuôi, sinh viên khoa Công nghệ thực phẩm… Bên cạnh đó, khóa tập huấn còn nhận được sự quan tâm đặc biệt và tham gia tích cực, nhiệt tình của các cán bộ quản lý, nhân viên đang hoạt động, công tác trong lĩnh vực Chế biến thực phẩm, Quản lý an toàn thực phẩm từ 15 công ty và tổ chức khác nhau: Công ty Nutricare, Công ty Farina, Công ty Pests Kill, Aeon Long Biên, Công ty bánh kẹo Phạm Nguyên, Suntory Pepsico Việt Nam, Công ty VinaCert, Công ty Cp chứng nhận và kiểm định Vinacontrol, Fivestarts Vietnam, Công ty CP thực phẩm dinh dưỡng Nutifood Việt Nam, Công ty Cổ Phần Thực Phẩm Santa…
Trong chương trình của khoá học, học viên đã được nghe trình bày về khung pháp lý áp dụng cho quản lý thực phẩm ở châu Âu (bối cảnh lịch sử, sự thay đổi về chính sách, các tổ chức pháp lý hoạt động trong lĩnh vực quản lý chất lượng thực phẩm…); Các bệnh lan truyền từ thực phẩm; Quản lý và chứng nhận an toàn thực phẩm… Đặc biệt, Giáo sư Guidi đã giới thiệu về một số công cụ mới trong quản lý an toàn thực phẩm như: (i) Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm mang tên “Safeaty Control Management”, đây là một công cụ được xây dựng dựa trên nền tảng của tiêu chuẩn ISO 22000:2005, cho phép các nhà quản lý có thể quản lý, kiểm soát toàn bộ thông tin, quy trình hoạt động trong một nhà máy thực phẩm thông qua phần mềm máy tính; (ii) Nhãn dán cảm biến nhiệt: giúp hiển thị và quản lý nhiệt độ trên sản phẩm trong suốt quá trình vận chuyển, phân phối và bán hàng. Đây thực sự là những kiến thức mới mẻ, giúp cơ quan đào tạo, cơ quan quản lý và các nhà sản xuất thực phẩm ở Việt Nam cập nhật thêm kiến thức trong lĩnh vực quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.
Kết quả đánh giá sau khoá học cho thấy hầu hết các học viên đang công tác trong lĩnh vực quản lý chất lượng thực phẩm khá hài lòng về hình thức, thời lượng, nội dung của khoá tập huấn. Đây là một trong những cơ hội tốt giúp cho các cơ quan đào tạo, cơ quan quản lý, đơn vị sản xuất, chế biến thực phẩm cập nhật, nâng cao kiến thức chuyên môn. Trong thời gian tới, Khoa Công nghệ Thực phẩm, Học viện Nông nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh các chương trình hợp tác quốc tế, phát triển các chương trình tập huấn ngắn hạn với nhiều chủ đề phong phú nhằm đa dạng hóa hoạt động, hình thức đào tạo, cung cấp những kiến thức mới cho nhiều nhóm đối tượng, đồng thời mở rộng mạng lưới hợp tác trong nước và quốc tế trong lĩnh vực sản xuất và quản lý thực phẩm.