Seminar “Tự nhận thức về mất an ninh lương thực - vấn đề đo lường”
- Thứ sáu - 20/10/2023 14:27
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Chiều ngày 02 tháng 10 năm 2023, tại phòng 405 của Khoa Kinh tế và Phát triển nông thôn, PGS. Agnieszka Poczta-Wajda đến từ Đại học Poznan University of Economics and Business (PUEB), Ba Lan, khách mời của nhóm nghiên cứu mạnh Quản lý phát triển nông thôn đã trình bày nghiên cứu với chủ đề “Self-perception of food insecurity - measurement problems”.
Mở đầu bài trình bày, PGS. Agnieszka Poczta-Wajda trình bày về các khía cạnh và yếu tố quyết định an ninh lương thực và dinh dưỡng, bao gồm tính sẵn có, khả năng tiếp cận và sự tiện ích của thực phẩm. Nhằm đảm bảo an ninh lương thực, tính ổn định của thực phẩm là vô cùng quan trọng, bao gồm: (1) Tính ổn định của khả năng tiếp cận vật lý: thiên tai, chiến tranh, đa dạng hóa sản xuất, kho lưu trữ nhà nước, (2) Tính ổn định của khả năng tiếp cận kinh tế như thị trường lao động, biến động giá lương thực thế giới, đa dạng hóa tiêu dùng, và (3) Tính ổn định về chất lượng thực phẩm: giáo dục, tiếp cận chăm sóc y tế, tiếp cận nước sạch và thiết bị vệ sinh.
Các cuộc khủng hoảng lương thực tái diễn và sự thay đổi toàn cầu đã đẩy an ninh lương thực lên hàng đầu trong các vấn đề chính trị và trong các chương trình nghị sự. Việc người dân ở các nước phát triển được đảm bảo an ninh lương thực khi có đủ lương thực cho một cuộc sống năng động, khỏe mạnh được coi là điều hiển nhiên. Tuy nhiên, có tới 10,2% dân số Hoa Kỳ và 8,3% dân số EU27 đang phải đối mặt với sự mất an ninh lương thực. Hiện nay, các quốc gia phải tìm câu trả lời cho các câu hỏi như EU có thể hỗ trợ như thế nào về an ninh lương thực toàn cầu, vấn đề môi trường? Những thách thức nào đối với Ba Lan từ làn sóng di cư Ukraina ồ ạt, lạm phát, và suy thoái kinh tế?
PGS. Agnieszka Poczta-Wajda đã tiến hành nghiên cứu của mình trong Quý I năm 2018 trên 710 trang trại quy mô nhỏ với quy mô kinh tế trong khoảng 4.000-15.000 EUR và nông nghiệp là hoạt động kinh tế chính của họ. Bảng câu hỏi gồm 50 câu hỏi chia làm các khối chuyên đề kinh tế xã hội, môi trường, an ninh lương thực và chất lượng dinh dưỡng. Tác giả sử dụng Thang đo khả năng tiếp cận và mất an ninh lương thực hộ gia đình (HFIAS), là thang đo mức độ mất an toàn thực phẩm dựa trên kinh nghiệm. Đây là công cụ khảo sát ngắn gọn để đánh giá liệu các hộ gia đình có gặp vấn đề với việc tiếp cận thực phẩm trong 30 ngày qua. Các câu hỏi bao gồm các nội dung chính là Sự lo lắng về nguồn cung thực phẩm của hộ gia đình, Sự thiếu chất lượng của các loại thực phẩm, và Việc ăn uống không đủ và hậu quả về mặt thể chất.
Kỳ vọng của tác giả về kết quả của nghiên cứu sẽ là sự không thừa nhận của người được hỏi về vấn đề an ninh lương thực họ gặp phải. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu đã khiến tác giả bất ngờ với 312 (44%) trang trại tuyên bố gặp ít nhất một khó khăn trong vòng 30 ngày, 170 (24%) trang trại tuyên bố tình trạng này xảy ra thường xuyên trong năm trước đó. Những giải pháp mà các hộ gia đình lựa chọn nhiều nhất là Lựa chọn những thực phẩm giá rẻ hơn, Giảm thiểu các mặt hàng khác để ưu tiên thực phẩm, vv.
Tác giả đưa ra kết luận rằng vấn đề mất an ninh lương thực là một vấn đề thiết yếu, bị đánh giá thấp và đầy thách thức ở các nước phát triển và không nên bỏ qua. Nghiên cứu cần xác định các hộ gia đình dễ bị tổn thương trước tình trạng mất an ninh lương thực và thực hiện một cuộc khảo sát có hệ thống, liên tục và lặp lại về tình trạng mất an ninh lương thực của họ. Các nghiên cứu được tiến hành ở cấp quốc gia có thể gây hiểu nhầm vì sự sẵn có của thực phẩm ở cấp hộ gia đình không phải lúc nào cũng tương quan với việc cung cấp thực phẩm ở cấp quốc gia. Điều đó có nghĩa là cần phải tập trung vào cấp độ hộ gia đình (nhóm dễ bị tổn thương trong xã hội) khi đánh giá tình hình lương thực và dinh dưỡng. Chỉ khi đó mới có thể thấy rõ các đặc điểm khác nhau của hộ gia đình quyết định nguy cơ mất an ninh lương thực của hộ gia đình, điều này rất quan trọng trong việc xây dựng và đánh giá chính sách an ninh lương thực
Định hướng nghiên cứu của tác giả tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam bao gồm hai mục tiêu chính là (1) Mở rộng kiến thức và phương pháp nghiên cứu trong lĩnh vực đo lường an ninh lương thực ở cấp hộ gia đình dựa trên kiến thức chuyên môn vững chắc của nhà nghiên cứu thuộc Học viện để sử dụng các phương pháp này để đo lường an ninh lương thực ở các nước phát triển, trong đó có Ba Lan và (2) Đánh giá những xu hướng mới nhất về an ninh lương thực ở các nước châu Á là châu lục có số dân đông nhất đang vật lộn với vấn đề an ninh lương thực.
Ngoài ra, PGS. Poczta-Wajda còn giới thiệu về PUEB với chín học viện trực thuộc, giảng dạy nhiều lĩnh vực như Kinh tế học, Quản trị với nhiều chuyên ngành đại học và thạc sĩ giảng dạy bằng tiếng Anh. PUEB hiện có 7.500 sinh viên và học viên Cao học, 82 nghiên cứu sinh, và gần 1.000 cán bộ, giảng viên.
Seminar đã thu hút được sự quan tâm của không chỉ các giảng viên, nghiên cứu viên trong và ngoài Khoa Kinh tế & PTNT mà còn của các em sinh viên đang theo học tại trường. Bài trình bày mở ra góc nhìn mới về vấn đề an ninh lương thực không chỉ của các quốc gia đang phát triển, mà còn ở các quốc gia phát triển như Ba Lan.