Sở hữu trí tuệ, thương mại hóa công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học
- Thứ sáu - 03/11/2023 08:43
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Sáng ngày 26/10/2023, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức khóa tập huấn “Sở hữu trí tuệ, thương mại hoá công nghệ và đổi mới sáng tạo trong trường đại học” với sự hỗ trợ của chương trình Aus4innovation, Australia nhằm nâng cao năng lực cho các nhà khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam về Luật Chuyển giao công nghệ, chiến lược và chính sách, triển khai và áp dụng hiệu quả Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 phục vụ thúc đẩy phát triển thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, phát triển spin-off và đổi mới sáng tạo tại cơ sở nghiên cứu.
TS. Vũ Ngọc Huyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Học viện, Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại khóa tập huấn |
Phát biểu tại khóa tập huấn, TS. Vũ Ngọc Huyên - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Phó Chủ tịch phụ trách Hội đồng Học viện, Phó Giám đốc Học viện nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp luôn nhận được sự quan tâm, thúc đẩy mạnh mẽ từ Chính phủ đến các trường đại học, viện nghiên cứu. Học viện Nông nghiệp Việt Nam là một trong những đơn vị đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và có đóng góp to lớn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn thông qua những hoạt động khai thác sở hữu trí tuệ từ các kết quả nghiên cứu khoa học, các sản phẩm công nghệ, đặc biệt là việc thí điểm thành lập các doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off.
TS. Vũ Ngọc Huyên mong muốn, khóa tập huấn sẽ góp phần vào việc phát triển hệ sinh thái nông nghiệp đổi mới sáng tạo tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam từ khâu nghiên cứu - đào tạo - đến chuyển giao tri thức phục vụ xã hội, đặc biệt là góp phần định hướng đúng đắn cho việc thương mại hóa và chuyển giao công nghệ tại Học viện.
TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ với bài chia sẻ “Nhận diện và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong trường đại học, viện nghiên cứu” |
Tại khóa tập huấn, từ góc độ cơ quản lý nhà nước, TS. Nguyễn Thị Hoàng Hạnh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình bày tổng quan về đối tượng sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các kết quả nghiên cứu và những chính sách, quy định pháp luật mới về sở hữu trí tuệ nhằm tháo gỡ những nút thắt trong quá trình đưa sản phẩm trí tuệ từ trường đại học, viện nghiên cứu đến thị trường, khuyến khích các cơ quan chủ trì nhiệm vụ khoa học công nghệ chủ động đăng ký, khai thác các tài sản trí tuệ của mình.
TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), Chủ tịch Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội với bài trình bày “Thực trạng và giải pháp thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo, tăng cường khả năng thương mại hóa và chuyển giao công nghệ trong trường đại học” |
Các đại biểu cũng được lắng nghe phần chia sẻ của TS. Nguyễn Trung Dũng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Công nghệ Bách khoa Hà Nội (BK Holdings), Chủ tịch Hiệp hội Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp Hà Nội về sự cần thiết và những yếu tố, chỉ số đo lường để các trường đại học thực hiện sứ mạng của mình trong đó nhấn mạnh về vai trò của hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ cũng như bài học kinh nghiệm thực tiễn của BK Holdings.
Đại biểu tham dự khóa tập huấn trao đổi, thảo luận cùng các diễn giả |
Tại Khóa tập huấn này, các đại biểu tham dự đã tích cực đặt những câu hỏi liên quan đến đăng ký sáng chế, quyền sở hữu công nghiệp, cánh thức quản lý và phân chia lợi nhuận từ việc thương mại hóa công nghệ… để phục vụ thương mại các kết quả nghiên cứu khoa học của Học viện. Khóa tập huấn không chỉ góp phần hỗ trợ Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong việc cung cấp các vấn đề cơ bản về lĩnh vực sở hữu trí tuệ, thương mại hóa công nghệ và đổi mới sáng tạo cho cán bộ, viên chức, người lao động, mà còn khuyến khích các nhà nghiên cứu thương mại hóa các sản phẩm nghiên cứu khoa học, đồng thời giúp nâng cao khả năng vận hành và quản lý các spin-off tại Học viện.
Quý vị đại biểu chụp ảnh lưu niệm |
Chương trình Aus4Innovation được thực hiện thông qua quan hệ đối tác ba bên giữa Bộ Ngoại giao và Thương mại Australia (DFAT), Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia (CSIRO) và Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam (MoST). Chương trình khám phá các lĩnh vực mới nổi trong công nghệ và chuyển đổi số, thử nghiệm các mô hình đối tác giữa các tổ chức công và khối tư nhân, đồng thời tăng cường năng lực của Việt Nam trong dự báo các xu hướng kỹ thuật số, lập kịch bản chiến lược, đẩy mạnh thương mại hóa kết quả nghiên cứu và xây dựng chính sách đổi mới sáng tạo. Năm 2022, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký biên bản hợp tác với Tổ chức nghiên cứu khoa học & công nghiệp của khối thịnh vượng chung (CSIRO) là Cơ quan Khoa học Quốc gia Australia về đổi mới sáng tạo và thương mại hoá công nghệ tại Australia trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Qua đã CSIRO đã hợp tác và hỗ trợ Học viện các hoạt động nâng cao năng lực ĐMST và thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học. |
Lan Hương - TT QHCC&HTSV
Ảnh: Trung Đức - TT QHCC&HTSV