Ban Khoa Học Và Công Nghệ - Học Viện Nông Nghiệp Việt Nam

http://khcn.vnua.edu.vn


Thành công của đề tài KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp & sinh sản cho lợn (PRRS) ở Việt Nam”

Thành công của đề tài KHCN cấp Nhà nước “Nghiên cứu tạo giống gốc để sản xuất vắc-xin phòng hội chứng rối loạn hô hấp & sinh sản cho lợn (PRRS) ở Việt Nam”
Hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản trên lợn hay còn gọi là “bệnh Tai xanh” (Porcine Reproductive & Respiratory Syndrome - PRRS) là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, lây lan nhanh và làm chết nhiều lợn nhiễm bệnh gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi lợn. Ở nước ta, PRRS được phát hiện trên đàn lợn nhập từ Mỹ vào các tỉnh miền Nam năm 1997. Lần đầu tiên dịch PRRS bùng phát ở Hải Dương vào ngày 12/03/2007, sau đó dịch lây lan nhanh và rộng khắp các tỉnh miền Bắc. Từ năm 2007 tới nay, diễn biến tình hình dịch PRRS vẫn diễn ra tương đối phức tạp và gây thiệt hại kinh tế cho ngành chăn nuôi ở nước ta. Đứng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tai xanh trên lợn, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiên cứu, thực hiện những biện pháp phòng bệnh và chống dịch bệnh trong cả nước. Một trong những biện pháp được nhà nước quan tâm hàng đầu đó là sử dụng vắc-xin phòng bệnh nhằm ngăn chặn dịch bệnh xảy ra một cách hiệu quả.
 
Trước tình hình dịch bệnh PRRS xảy ra ở Việt Nam, TS. Trịnh Đình Thâu - Trưởng khoa Thú y, Khoa Thú y, cùng cộng sự đã nghiên cứu thành công nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển sản phẩm Quốc gia đến năm 2020, mã số SPQG.05b.02. Được thực hiện từ 12/2014 tới 11/2016, Đề tài hướng đến mục tiêu tạo được giống virus vắc-xin hội chứng rối loạn hô hấp và sinh sản cho lợn (PRRS) ổn định về đặc tính kháng nguyên để sản xuất vắc-xin phòng bệnh.
 
Theo TS. Trịnh Đình Thâu, sau quá trình triển khai và thực hiện nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã tập trung nghiên cứu, phân lập, sàng lọc, tuyển chọn dựa trên đặc tính sinh học, đặc tính sinh học phân tử và sự ổn định về: độc lực, đặc tính kháng nguyên, đặc tính di truyền, khả năng sinh miễn dịch bảo hộ trên động vật thí nghiệm của các chủng virus PRRS dùng trong nghiên cứu. Kết quả đã tuyển chọn thành công được 3 chủng virus PRRS cường độc, 3 chủng virus PRRS nhược độc có tiềm năng sản xuất vắc-xin phòng bệnh PRRS. Trong đó 3 chủng virus PRRS nhược độc được tạo ra bằng kĩ thuật tiếp đời 90 lần trên môi trường Marc-145, vượt 01 chủng virus nhược độc so với yêu cầu.
Bên cạnh đó, nhiệm vụ cũng đã xây dựng được 6 quy trình công nghệ gồm: quy trình tạo giống cường độc, quy trình tạo giống cường độc, quy trình tạo giống nhược độc trên môi trường tế bào, quy trình nhân giống sản xuất vacxin, quy trình bảo quản giống virus PRRS đã tuyển chọn; quy trình đánh giá, kiểm nghiệm giống gốc PRRS nhược độc và đăng ký 9 trình tự gene của virus PRRS trên ngân hàng gene thế giới. Nhiệm vụ cũng công bố 01 bài báo quốc tế, 03 bài báo trong nước và đào tạo 05 thạc sĩ chuyên ngành thú y vượt chỉ tiêu so với yêu cầu là 01 bài báo trong nước và 01 thạc sĩ chuyên ngành thú y, 01 hội thảo quốc tế.
 
Nhiệm vụ được Hội đồng đánh giá nghiệm thu cấp Nhà nước nhất trí thông qua, đánh giá xếp loại Xuất Xắc, được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu vào ngày 14/01/2017.
Một số hình ảnh tại Hội đồng :
IMG 2578


 
IMG 2583
 
IMG 2577
 
Ban KHCN
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây