Hội thảo “Thực trạng và tiềm năng sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu”

Thứ năm - 31/08/2023 08:58

Trong khuôn khổ hoạt động triển khai đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm duy trì và nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP của tỉnh Lai Châu theo chuỗi liên kết” do TS. Phí Thị Diễm Hồng làm chủ nhiệm, ngày 25/08/2023 tại thành phố Lai Châu, nhóm NCM “Hợp tác và liên kết trong kinh doanh nông nghiệp”- Khoa Kế toán và QTKD, Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội thảo “ Thực trạng và tiềm năng sản xuất, tiêu thụ và phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Lai Châu”. Mục tiêu của hội thảo là thảo luận tiềm năng phát triển sản xuất, tiêu thụ; thuận lợi; khó khăn và định hướng phát triển sản phẩm OCOP của các địa phương trong địa bàn tỉnh trong thời gian tới.  

 Quang cảnh Hội thảo
 

Đại biểu tham dự hội thảo bao gồm: các chủ thể sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh (các Hợp tác xã, các doanh nghiệp, cá nhân); Đại diện cơ quan quản lý Khoa học-Sở Khoa học và Công nghệ  tỉnh Lai Châu; Đại diện Cơ quan quản lý chương trình OCOP tỉnh- Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Chi cục Phát triển nông thôn; Văn phòng Nông thôn mới tỉnh Lai Châu; Phòng Nông nghiệp các huyện); và các thành viên của nhóm thực hiện đề tài.

Tại Hội thảo, các tham luận trình bày tại hội thảo tập trung vào các nội dung:  Tiềm năng phát triển sản phẩm; Thực trạng sản phẩm sau khi được chứng nhận sản phẩm OCOP; Thuận lợi, khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Giải pháp phát triển sản phẩm. Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ông Nguyễn Như Quỳnh cho biết chương trình OCOP là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, mà trọng là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Tính đến 8/2023 toàn tỉnh Lai Châu đã tổ chức đánh giá, phân hạng và chứng nhận được 171 sản phẩm đạt hạng từ 3 sao đến 4 sao và tiềm năng 4 sao của 74 chủ thể (trong đó có 2 sản phẩm 4 sao, 6 sản phẩm đạt tiềm năng 4 sao đang hoàn thiện thủ tục trình cấp có thẩm quyền đánh giá phân hạng, 163 sản phẩm 3 sao).

 Đại diện Cơ quan quản lý chuyên môn phát biểu tại Hội thảo
 

Chia sẻ thêm cùng Hội thảo, Bà Dương Thị Nhài – Phó Trưởng phòng Kinh tế thành phố Lai Châu cho biết, tính đến 31/12/2022, trên địa bàn thành phố có 44 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận OCOP từ 3 sao trở lên. Còn theo ông Nguyễn Cảnh Đức, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phong Thổ, chương trình OCOP đã bắt đầu lan tỏa trên khắp địa bàn huyện, nhận được sự quan tâm, ủng hộ của các cấp, các ngành và cộng đồng địa phương. Công tác chỉ đạo, phối hợp thực hiện giữa các cơ quan, ban, ngành, địa phương ngày càng được củng cố. Các sản phẩm OCOP của huyện ngày càng đa dạng về mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chủ thể đã quan tâm hơn về kiểm soát chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc, ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, bán hàng, tiêu thụ sản phẩm, tham gia vào các chuỗi liên kết, tiêu thụ sản phẩm.

 Đại diện một số chủ thể OCOP phát biểu thảo luận tại Hội thảo

Về phía các chủ thể OCOP, nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù đạt được nhiều thành công thuận lợi khi đạt chứng nhận OCOP như phát huy được lợi thế vùng miền, tạo việc làm cho người lao động địa phương, được người tiêu dùng tin tưởng và biết đến nhiều hơn, chất lượng sản phẩm cũng được nâng cao rõ rệt. Nhưng để phát triển bền vững, duy trì nhãn hiệu OCOP, các chủ thể vẫn gặp nhiều khó khăn trong duy trì sản lượng, tiếp cận thị trường và liên kết chuỗi.

 Hoạt động thảo luận và chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị
 

Kết quả thảo luận đã khẳng định Lai Châu được thiên nhiên ưu đãi về khí hậu, thổ nhưỡng. Lai Châu có văn hóa cộng đồng phong phú vì vậy sản phẩm OCOP sản xuất ra  đa dạng và mang giá trị vùng miền. Từ  một số hạn chế đã chỉ ra, hội thảo đã đề xuất một số giải pháp cơ bản phát triển để  phát triển sản phẩm OCOP, bao gồm:

(i) Đối với chủ thể: Các chủ thể cần nâng cao nhận thức về sản xuất sản phẩm OCOP là phải tạo ra giá trị cho cộng đồng. Sản xuất sản phẩm phải tiêu thụ được nhiều nguyên liệu cho địa phương. Các chủ thể cần chú trọng xây dựng câu chuyện sản phẩm thật bài bản để thể hiện được đặc trưng về sản phẩm của các địa phương; (ii) Đối với cơ quản quản lý nhà nước các cấp: Tiếp tục tuyên truyển để nhân dân và chủ thể hiểu được tinh thần, giá trị của sản phẩm OCOP; Tăng cường giám sát và công tác duy trì sau khi đăng ký sản xuất sản phẩm OCOP; Tiếp tục rà soát các chủ thể OCOP để sản xuất hướng tới cộng đồng, địa phương; Tăng cường vai trò và sự tham gia của chính quyền cấp xã trong việc phát triển và đánh giá sản phẩm OCOP; đồng thời có kế hoạch và chính sách cụ thể hỗ trợ các sản phẩm chưa đạt chuẩn OCOP nhưng có tiềm năng để phát huy lợi thế về thổ nhưỡng, văn hóa và tính cộng đồng của địa phương.

Kết quả của Hội thảo là minh chứng thực tiễn  giúp cho đề tài tiếp tục triển khai đúng hướng và đề xuất được các giải pháp thiết thực cho phát triển sản phẩm OCOP của địa phương.

Lê Thị Minh Châu, Phí Thị Diễm Hồng, Trần Quang Trung

 

Nhóm NCM-Hợp tác và liên kết kinh doanh nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập5
  • Hôm nay2,000
  • Tháng hiện tại23,797
  • Tổng lượt truy cập5,112,863
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây