Thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím (Channa sp.) tại Khoa Thủy sản
- Thứ tư - 01/08/2018 09:01
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Trong những năm gần đây, ngành thủy sản Việt Nam nói chung và nghề nuôi thủy sản nước ngọt nói riêng đã có những bước tiến quan trọng và ngày càng có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Cá lóc đầu nhím (Channasp.) là loài cá nước ngọt có giá trị kinh tế cao, chất lượng thịt thơm ngon, ít xương dăm, hợp khẩu vị đa số người tiêu dùng nên đã trở thành đối tượng được quan tâm đặc biệt.
Mặc khác, cá dễ nuôi, nuôi được với mật độ cao, có sức chịu đựng tốt với các điều kiện xấu của môi trường, chịu được hàm lượng oxy thấp, dễ vận chuyển, nên việc nuôi cá lóc đã phát triển mạnh trên phạm vi cả nước. Cá lóc đầu nhím là con lai giữa cá lóc đen (Channa striatus, Block, 1793) và cá lóc môi trề (Channa sp.). Trên thế giới, nghề nuôi cá lóc đã phát triển mạnh ở các quốc gia nhiệt đới. Tại Thái Lan và Hồng Kông, cá lóc được nuôi bán thâm canh trong ao đất, thời gian nuôi từ 4 – 6 tháng với các loại thức ăn như bột cá, tấm, cám.
Theo khảo sát sơ bộ, nguồn cung cấp giống cá lóc đầu nhím cho thị trường miền Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng chủ yếu là từ miền Nam chuyển ra, hoặc nhập về từ Trung Quốc. Việc tiến hành thử nghiệm sản xuất giống cá lóc nhím tại Học viện là việc làm cần thiết góp phần khẳng định thương hiệu của Khoa Thuỷ sản và đem lại nguồn cá giống với giá cả cạnh tranh do giảm thiểu được chi phí vận chuyển.
Thí nghiệm được tiến hành từ tháng 12/2016 đến tháng 09/2017 tại Khoa Thủy sản, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Cá lóc đầu nhím bố mẹ tuyển chọn để được nuôi vỗ trong ao xi măng rộng 300 m2 với mật độ 2 con/m2 từ tháng 12/2016. Tiêu chuẩn tuyển chọn cá bố mẹ: cá cái 800 – 1000 g/con, cá đực 500 – 700 g/con. Cá mạnh khoẻ, vây vẩy nguyên vẹn, nhiều nhớt, không có dị tật, không có biểu hiện của nhiễm bệnh ngoại ký sinh. Nuôi vỗ cá bố mẹ bằng thức ăn cao đạm dành cho cá lóc của CJ với độ đạm 40% Protein, khẩu phần thức ăn 3-5% trọng lượng cá/ngày. Trong quá trình cho cá ăn, chúng tôi đã theo dõi hoạt động bắt mồi của cá để điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp.
Chọn cá bố mẹ thành thục để chuẩn bị cho sinh sản. Chọn cá đực có thân thon dài, xẫm màu, thân cá đực có màu đậm hơn cá cái, cơ quan sinh dục của con đực nhỏ hơn con cái. Cá cái có bụng to, tròn đều, dùng que thăm trứng để lấy trứng ra kiểm tra, trứng tròn đều, màu vàng tươi.
Nghiên cứu cứu sinh sản được tiến hành bằng 3 thí nghiệm, mỗi thí nghiệm lặp lại 3 lần, đơn vị thí nghiệm là 1 cá thể cá đực hoặc cá cái được sử dụng kích dục tố. Thí nghiệm được bố trí ngẫu nhiên: Thí nghiệm 1 (đối chứng) thử nghiệm sinh sản tự nhiên cá lóc đầu nhím - không tiêm kích dục tố; thí nghiệm 2 và 3 thử nghiệm sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím sử dụng kích dục tố LRHa+DOM và não thùy thể kết hợp HCG.
Kết quả cho thấy thí nghiệm 3 đạt kết quả cao nhất: tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 72%. Thí nghiệm 2 cho tỷ lệ cá đẻ: 100%, tỷ lệ thụ tinh: 60%, tỷ lệ nở: 54%. Thí nghiệm 1 cho tỷ lệ cá đẻ: 66,7%, tỷ lệ thụ tinh: 65%, tỷ lệ nở: 70%. Sinh sản nhân tạo cá lóc đầu nhím rất khả thi và có triển vọng phát triển tại miền bắc Việt Nam. Cá bột ương ở mật độ 4 con/lít có tốc tộ tăng trưởng và tỷ lệ sống cao hơn cá ương ở các mật độ 6 con/lít và 8 con/lít. Trong quá trình ương, tỉ lệ sống của cá bột đến cá hương tương đối cao, dao động từ 63% đến 71,18%.
Hình ảnh cá lóc bố mẹ
Hình ảnh soi phôi cá lóc đầu nhím
Các giai đoạn phát triển của phôi cá lóc đầu nhím
Cá lóc bột |
Cá lóc hương |
Ths. Nguyễn Công Thiết
Bộ môn Nuôi trồng thủy sản
Nhóm NCM Dinh dưỡng thức ăn và Nuôi trồng thủy sản