Tầm quan trọng của công tác đảm bảo chất lượng bên trong tại Học viện nông nghiệp Việt Nam
- Thứ sáu - 07/07/2023 08:56
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Phát triển văn hóa chất lượng luôn song hành cùng với việc xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của một cơ sở giáo dục đại học. Đảm bảo chất lượng bên trong đóng vai trò quan trọng, là yếu tố đầu tiên để thúc đẩy sự phát triển về văn hóa chất lượng.
Trên thế giới hiện nay có rất nhiều các mô hình đảm bảo chất lượng bên trong. Trong đó mô hình của mạng lưới chuyên trách về đảm bảo chất lượng giáo dục đại học các trường đại học Đông Nam Á (AUN-QA) được áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Mô hình này bao gồm các thành tố: công cụ kiểm tra; công cụ đánh giá; quy trình đảm bảo chất lượng cho các hoạt động cụ thể; công cụ đảm bảo chất lượng cụ thể; và các hoạt động liên tục cải thiện chất lượng. Đối với AUN, đảm bảo chất lượng trong giáo dục đại học là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng tất cả các lĩnh vực công tác của nhà trường và cung cấp định nghĩa đảm bảo chất lượng bên trong như sau: “Tổng thể các hệ thống, nguồn lực và thông tin dành cho việc thiết lập, duy trì và cải thiện chất lượng và tiêu chuẩn của hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu và phục vụ cộng đồng. Đó là một hệ thống mà dưới sự tác động của nó, các nhà quản lý và nhân viên hài lòng với cơ chế kiểm soát đang hoạt động để duy trì và nâng cao chất lượng trong giáo dục đại học” (AUN, 2011). Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong là công cụ để thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, đạt các mục tiêu chiến lược đề ra và đáp ứng tốt yêu cầu của các bên có liên quan.
Học viện nông nghiệp Việt Nam với:
Tầm nhìn: “Học viện là đại học tự chủ, đa ngành, đa phân hiệu theo mô hình của đại học nghiên cứu tiên tiến trong khu vực; trung tâm xuất sắc của quốc gia, khu vực về đổi mới sáng tạo trong đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu khoa học, ứng dụng tri thức và phát triển công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn”;
Sứ mạng: “Học viện là trung tâm đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, và chuyển giao tri thức mới về nông nghiệp và phát triển nông thôn, và các lĩnh vực khác có liên quan; đóng góp đắc lực và hiệu quả vào công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và hội nhập quốc tế của đất nước”.
Hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong của Học viện được thiết kế dựa theo mô hình đảm bảo chất lượng của AUN-QA để thực hiện các mục tiêu: Đánh giá, đo lường, kiểm soát chất lượng toàn diện từ đó bảo đảm và nâng cao chất lượng của nhà trường; Đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn, qui định của các tổ chức, cơ quan kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế.
Để thực hiện các thành tố trong hệ thống đảm bảo chất lượng bên trong, Học viện đã chú trọng kiện toàn bộ máy, xây dựng các quy trình, quy định và phát triển nhân sự trong hoạt động đảm bảo chất lượng.
Trung tâm Đảm bảo chất lượng được thành lập năm 2014, là một đơn vị trực thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam có chức năng tham mưu và giúp Giám đốc Học viện trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện công tác bảo đảm chất lượng giáo dục đại học thông qua việc xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch bảo đảm chất lượng giáo dục; về tự đánh giá nhằm cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo và các mặt hoạt động khác của Học viện; về đăng ký kiểm định chương trình đào tạo và Học viện; về duy trì và phát triển các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và hệ thống quản lý chất lượng; về thực hiện chế độ thông tin, báo cáo kết quả kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tham gia đánh giá và kiểm định chương trình đào tạo theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA |
Đồng thời, để đảm bảo vận hành các hoạt động đảm bảo chất lượng có hiệu quả, yếu tố con người đóng vai trò quan trọng vì đây là công việc khó khăn, cần sự thay đổi tư duy, đổi mới. Những cán bộ có năng lực, có khả năng tiếp thu cái mới, có tinh thần trách nhiệm với công việc được bố trí tham gia công tác đảm bảo chất lượng. Ngoài ra Học viện rất chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn và nghiệp vụ đảm bảo chất lượng cho đội ngũ. Các cán bộ của Học viện đã được tham dự khóa tập huấn IQA ( đảm bảo chất lượng bên trong), tập huấn đánh giá chương trình đào tạo do Mạng lưới các trường Đại học Đông Nam Á (AUN-QA) tổ chức. Ngoài ra, các cán bộ được tham gia các khóa đào tạo kiểm định viên do Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục – ĐHQG Hà Nội tổ chức.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam tổ chức kiểm định và đánh giá ngoài theo bộ tiêu chuẩn kiểm định chất lượng CSGD do Bộ giáo dục và đào tạo ban hành |
Hàng năm, cán bộ các khoa có chương trình đào tạo được đánh giá chất lượng hay kiểm định chất lượng đều được tham gia khóa tập huấn viết báo cáo tự đánh giá do chuyên gia giáo dục hướng dẫn tập huấn. Các giảng viên còn được tham gia các khóa học về thiết kế chuẩn đầu ra, xây dựng đề cương học phần, thiết kế các phương pháp kiểm tra đánh giá do các chuyên gia hàng đầu trong thiết kế chương trình đào tạo tập huấn và hướng dẫn. Mặt khác, để nâng cao nhận thức và nghiệp vụ về đảm bảo chất lượng như xây dựng văn hóa chất lượng, Học viện tổ chức tập huấn cho các khoa có chương trình đào tạo sẽ được đánh giá theo kế hoạch về viết báo cáo tự đánh giá và cách thức thu thập, mã hóa và lập danh mục mã hóa minh chứng và lưu giữ hồ sơ đánh giá từng chương trình đào tạo.
Các cán bộ, giảng viên tham gia tập huấn nâng cao năng lực phát triển chương trình đào tạo |
Ban Giám đốc tổ chức triển khai xây dựng chiến lược, định hướng phát triển, ban hành chính sách, mục tiêu chất lượng, phê duyệt các kế hoạch, chương trình và phân bổ nguồn lực, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình nhằm đạt được các mục tiêu đã đề ra. Bên cạnh đó, Học viện đã ban hành một số quy định và hướng dẫn bổ sung nhằm tăng cường công tác đảm bảo chất lượng của đơn vị trên cơ sở quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm. Mọi qui định đảm bảo chất lượng được triển khai theo kế hoạch chiến lược đảm bảo chất lượng theo chiến lược phát triển Học viện, phù hợp với tầm nhìn và sứ mạng của Học viện và được toàn thể cán bộ viên chức trong Học viện thống nhất triển khai.