Thêm một nhà giáo được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động: Cống hiến tâm lực cho giảng dạy, nghiên cứu khoa học

Thứ năm - 23/02/2017 23:54

Một sự kiện lớn, niềm vui lớn đến với ngành Giáo dục nói chung và Trường Đại học Nông nghiệp nói riêng khi PGS.TS. Nhà giáo nhân dân Nguyễn Thị Trâm - nguyên giảng viên Trường ĐH Nông nghiệp, nguyên phó viện trường Viện Sinh học nông nghiệp vừa được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động. Cả cuộc đời gắn với cây lúa, với nhà nông, TS Trâm đã góp phần làm rạng danh nền nông nghiệp Việt Nam khi cho ra đời hàng loạt giống lúa mới, chất lượng cao, giàu giá trị kinh tế…

Hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học

Phát biểu tại buổi lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động cao quí, TS Trâm bộc bạch: Nghề nông và người làm nông nghiệp ở nước ta đến hôm nay vẫn đang chiếm một tỷ lệ cao và luôn phải đối mặt với quá nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro vì biến đổi khí hậu diễn ra nhanh và vô cùng khốc liệt. Để xây dựng và phát triển một nền nông nghiệp bền vững ổn định, cần có đội ngũ các nhà khoa học nông nghiệp yêu nghề, dám hy sinh suốt đời cho nghiên cứu khoa học. Cách đây 46 năm, tôi chọn vào trường Đại học Nông nghiệp với ước mơ làm được việc gì đó cho cuộc sống bớt đói nghèo, sau đó 20 năm, tôi quay trở về trường làm giảng viên để tham gia đào tạo thế hệ sau. Chính ngôi trường Nông nghiệp xanh tươi đã cho tôi trí thức, niềm tin, tình yêu nghề nghiệp và tạo cơ hội cho tôi được cống hiến sức mình cho sự phát triển của nền nông nghiệp nước nhà, thực hiện được những ý tưởng bình dị của mình là tạo ra nhiều giống lúa mới…

Tốt nghiệp năm 1968, TS Trâm về công tác tại Viện Cây lương thực và thực phẩm và được cố GS Nông học Lương Định Của hướng dẫn, dìu dắt. Thời gian này, bà đã mày mò, nghiên cứu cho ra đời nhiều giống lúa mới, được phổ biến rộng rãi như NN-9, NN-10, NN-23, NN-75-6... Sau khi được cử đi học tại Viện Nghiên cứu lúa của Liên Xô (cũ) về (1985), bà chuyển về làm công tác giảng dạy tại Trường ĐH Nông nghiệp 1. Thời gian đầu làm việc ở trường ĐH Nông nghiệp, TS Trâm làm cán bộ giảng dạy các bộ môn Di truyền – chọn giống Khoa Nông học của trường. Thời gian này, TS Trâm đã cống hiến rất nhiều tâm lực của mình trong việc nghiên cứu, giảng dạy cũng như hướng dẫn các sinh viên làm đề tài tốt nghiệp. Bên cạnh đó bà còn viết các giáo trình và sách tham khảo cùng giáo trình bài giảng cho cao học các chuyên ngành Trồng trọt, chọn giống. Cùng các đồng nghiệp, TS Trâm đã nghiên cứu chọn tạo thành công các giống lúa thuần như nếp thơm 44, tẻ 256, ĐH 104 và được đưa ra sản xuất. Sau đó, ở vai trò của Phó Viện trưởng viện Sinh học Nông nghiệp và Trưởng phòng nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai tại trường Đại học Nông Nghiệp 1 Hà Nội, bà vẫn tiếp tục nghiên cứu khoa học, tìm ra những cách thức mới, phương pháp mới để nâng cao chất lượng nền nông nghiệp nước nhà.

Cho đến năm 2004, TS Trâm lĩnh sổ lương hưu trí. Sau khi nghỉ hưu bà vẫn muốn góp thêm sức lực và trí tuệ của mình để phục vụ cho ngành nghiên cứu khoa học nước nhà nên đã nhận lời mời tiếp tục làm Trưởng phòng Nghiên cứu ứng dụng ưu thế lai, và tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các giống lúa mới. Viết thêm những tài liệu và giáo trình để phục vụ giảng dạy và hướng dẫn cho các học viên thực tập tốt nghiệp kiêm hướng dẫn nghiên cứu sinh… PGS-TS Trâm đã được trao giải thưởng Kovalevskaia năm 2000 (cá nhân), giải thưởng nhà nước về khoa học và công nghệ năm 2005.

Giống lúa lai “made in Vietnam” trị giá 10 tỉ đồng

Từ năm 2003, nông dân Hà Nội, Thanh Hóa, Hà Tây, Hà Nam, Hưng Yên dần quen với giống lúa lai hai dòng TH3-3, một giống lúa lai cho năng suất khá cao (6-7 tấn/ha, có nơi đạt trên 8 tấn/ha) mà thời gian sinh trưởng ngắn (105-115 ngày/vụ mùa; 115-125 ngày/vụ xuân), thích hợp với trồng trên đất ba vụ (hai vụ lúa, một vụ màu). TH3-3 lại chịu được mọi loại đất, mọi địa hình, khả năng chống chịu sâu bệnh cao (giảm 50% chi phí thuốc trừ sâu)…Giới khoa học nông nghiệp đã ít nhiều biết tiếng tổ hợp giống lúa lai hai dòng của PGS Trâm khi bà "thai nghén" từ những năm 1994-1995. Các công ty giống từ trung ương đến các tỉnh, thành, thậm chí cả các công ty tư nhân đều đã biết ưu điểm của TH3-3. Vì thế từ năm 2003, khi TH3-3 được công nhận tạm thời đã có rất nhiều nơi chèo kéo làm ăn, đòi mua đứt "đứa con" của nhà nữ khoa học này. Năm 2005, TH3-3 chính thức được công nhận và cấp bản quyền (2007) cũng là lúc gần như khắp miền Bắc đã có 20.000-30.000ha lúa lai hai dòng TH3-3 được nông dân trồng thử, với lượng giống mà PGS "xuất" ra mỗi năm lên tới 1.000 tấn giống F1.

Theo TS Trâm, năng suất và chất lượng vượt trội của TH3-3 đã lấy được niềm tin từ người nông dân. TH3-3 cho hạt gạo thật trắng, nấu cơm rất thơm, dẻo. Nó lại là kiểu cây bán lùn, thân cứng nên ít bị đổ khi gặp mưa bão, lại kháng được các bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá…. Với những ưu thế nổi trội này, năm 2008, một Cty tư nhân ở Nam Định đã trả 10 tỉ đồng để mua bản quyền giống lúa này. Mười tỉ đồng, một giống lúa, và gần 20 năm nghiên cứu lúa lai. Sự kiện này đã gây xôn xao dư luận về sự “lên ngôi” của lúa lai cùng đó là tài năng của chủ nhân đã sinh ra nó… Đã vào tuổi cần nghỉ ngơi, nhưng PGS-TS Nguyễn Thị Trâm vẫn làm việc liên tục, vẫn bắt tay vào nghiên cứu khoa học để tìm tòi cho ra những giống lúa mới tốt nhất cho nông dân... Với bà, khi còn sức khỏe, còn kiến thức, còn làm việc được thì hãy cứ làm. Nông dân mình còn nghèo, giúp được họ thoát khỏi nghèo, thực sự là niềm hạnh phúc, là ý nghĩa sống trong cuộc đời và nghề nghiệp mà mình đã lựa chọn. Và danh hiệu Anh hùng Lao động cao quí mà TS vừa đón nhận đã ghi nhận sự đóng góp của một nhà khoa học không chỉ ghi danh bằng tài năng mà còn bằng cả tấm lòng đau đáu của mình với nhà nông, với nền nông nghiệp nước nhà, góp phần đưa đất nước vững vàng tiến lên CNH-HĐH, hội nhập kinh tế quốc tế.

Vũ Ngân

(Theo Tạp chí Giáo dục Thủ đô số 12+13 - tháng 11+12/2010)

www.hanoi.edu.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập30
  • Hôm nay3,255
  • Tháng hiện tại65,444
  • Tổng lượt truy cập4,258,057
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây