Giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch

Thứ tư - 28/07/2021 22:49
Công nghệ sau thu hoạch là cầu nối giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường, đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp.

Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khi vụ thu hoạch một số loại rau quả như vải thiều đang đến gần, những ứng dụng về công nghệ sau thu hoạch sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Trung Quốc không bị gián đoạn, giảm bớt áp lực cho tiêu thụ trong nước và gia tăng giá trị cho sản phẩm.


PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam.
Ảnh: Trần Trung/BNEWS/TTXVN

Song trên thực tế, dù được coi là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản nhưng công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu, các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả.

Vậy làm thế nào để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sau thu hoạch cũng như quán triệt Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19?

Phóng viên đã có cuộc trao đổi với PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Bộ môn Công nghệ sau thu hoạch, Học viện Nông nghiệp Việt Nam về những vấn đề này.
*Phóng viên: Vì sao việc ứng dụng công nghệ sau thu hoạch vẫn bị cho là “điểm nghẽn” của nông nghiệp Việt?
*PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy: Chúng ta đều biết rằng công nghệ sau thu hoạch là cầu nối giữa sản xuất nông nghiệp và thị trường. Nó đóng một vai trò rất quan trọng trong việc hình thành và khép kín chuỗi sản xuất nông nghiệp.
Ở nước ta, phần lớn sản phẩm nông nghiệp sản xuất ra tiêu thụ tại chỗ dạng tươi và xuất khẩu chủ yếu dạng nguyên liệu thô. Công nghệ chế biến chưa thực sự phát triển kịp đáp ứng nhu cầu. Do vậy, chỉ cần kế hoạch tiêu thụ bị thay đổi, thị trường gặp khó khăn sẽ dẫn đến nguy cơ sản phẩm hư hỏng, tổn thất, kinh doanh thua lỗ… và kêu gọi giải cứu.
*Phóng viên: Thưa bà, ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch có phải là một trong những giải pháp quan trọng tạo giá trị gia tăng, giúp nông sản thoát vòng luẩn quẩn “giải cứu”?
*PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy: Nếu trình độ khoa học công nghệ lĩnh vực sau thu hoạch ở Việt Nam phát triển tương xứng với trình độ sản xuất nông nghiệp thì có thể góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch, gia tăng giá trị cho sản phẩm nông nghiệp.

Do vậy, công nghệ sau thu hoạch được xem là giải pháp quan trọng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng và nâng cao đời sống kinh tế cho người làm nông nghiệp, có đóng góp đáng kể cho đất nước.
Tuy nhiên, ngành này cũng tồn tại những nút thắt trong chuỗi giá trị sản xuất như sản phẩm thô, chất lượng nguyên liệu và sản phẩm chế biến còn thấp…; nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến chưa ổn định, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp hạn chế, thị trường tiêu thụ phụ thuộc một số nước.
Trong hai năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch COVID 19 nên nhiều sản phẩm nông nghiệp của một số địa phương sau thu hoạch bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vào dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, dịch COVID-19 bùng phát tại một số địa phương trên cả nước, điển hình như Hải Dương, Quảng Ninh…, đã khiến việc tiêu thụ nông sản của bà con gặp khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nhiều hộ gia đình.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19 khi vụ thu hoạch một số loại rau quả như vải thiều đang đến gần, một số giải pháp đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng với các địa phương triển khai như tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản ở thị trường trong nước, đồng thời hỗ trợ công tác xuất khẩu nông sản.
Những ứng dụng về công nghệ sau thu hoạch sẽ đóng góp một phần quan trọng trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng xuất khẩu vải thiều sang Nhật Bản, Trung Quốc không bị gián đoạn, giảm bớt áp lực cho tiêu thụ trong nước, gia tăng giá trị cho sản phẩm.
*Phóng viên: Là một trong những nước dẫn đầu về xuất khẩu một số loại nông sản, nhưng tổn thất sau thu hoạch vẫn ở mức cao. Vậy cần có giải pháp nào để giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch trong thời gian tới, thưa bà?
*PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy: Vấn đề bảo quản sau thu hoạch đối với nông sản đóng vai trò rất quan trọng, song công nghệ ứng dụng sau thu hoạch còn yếu nên các sản phẩm chế biến tinh chưa được khai thác hiệu quả.

Bên cạnh đó, người dân rất khó tiếp cận các ứng dụng khoa học công nghệ sau thu hoạch để nâng cao giá trị và chất lượng nông sản, giảm tỷ lệ hao hụt nông sản. Do ứng dụng công nghệ sau thu hoạch yếu nên dẫn đến tình trạng khi dư thừa nông sản người dân không thể chuyển sang chế biến, bảo quản.
Vì vậy, tôi cho rằng muốn giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch cần kết hợp các giải pháp tổng hợp và đa ngành.
Đầu tiên, cần dữ liệu về tổn thất sau thu hoạch. Chúng ta cần biết nơi xảy ra thất thoát và lãng phí trong hệ thống thực phẩm để phát triển các biện pháp can thiệp dựa trên bằng chứng trong các lĩnh vực có tác động mạnh nhất.

Ví dụ, trong cơ sở dữ liệu về thất thoát và lãng phí thực phẩm mới của họ, FAO đã tiến hành phân tích tổng hợp các nghiên cứu về thất thoát và lãng phí thực phẩm hiện có trên toàn thế giới để đo lường tổn thất và lãng phí trên các sản phẩm thực phẩm, các giai đoạn của chuỗi giá trị và các khu vực địa lý tại các điểm khác nhau trong thời gian.
Thứ hai là cần giải pháp mang tính sáng tạo; trong đó bảo quản kín từ lâu đã được công nhận là một cách giúp nông dân bảo vệ ngũ cốc khỏi côn trùng  và kiểm soát được độ ẩm; công nhận khả năng của túi kín để giảm ô nhiễm độc tố nấm mốc trong thu hoạch ngũ cốc.
Các giải pháp phối hợp quy mô lớn không thể đến từ bất kỳ một lĩnh vực nào đơn lẻ nào mà các giải pháp chung như hợp tác công tư (PPP) có thể xây dựng khả năng phục hồi của hệ thống lương thực trong dài hạn.
PPP là điều cần thiết để thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhằm đáp ứng các thách thức về an ninh lương thực toàn cầu như thất thoát và lãng phí lương thực, đồng thời tăng cường các hộ nông dân nhỏ tham gia có lợi vào thị trường thương mại thông qua việc tiếp cận các công nghệ, dịch vụ tài chính và thông tin thị trường thích hợp.
PPP có thể giúp liên kết các hoạt động riêng lẻ, quy mô nhỏ được phân phối cục bộ nhưng bị phân tán thành các hệ thống thị trường phối hợp quy mô lớn và tạo ra môi trường thuận lợi cần thiết cho việc mở rộng quy mô.
*Phóng viên: Vậy theo bà, công nghệ sau thu hoạch của Việt Nam trong những năm tới sẽ tiến triển đến đâu và dự báo bao lâu nữa thì Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực trong lĩnh vực này?
*PGS. TS Nguyễn Thị Bích Thủy: Thật khó để có thể đưa ra câu trả lời chính xác sau bao lâu nữa thì Việt Nam đuổi kịp các nước trong khu vực trong lĩnh vực công nghệ sau thu hoạch, trong khi các nước đã đi trước Việt Nam ít nhất là hai, ba chục năm về trình độ công nghệ.
Tuy nhiên, trong thập kỷ gần đây, Việt Nam cũng đang có những bước tiến nhanh để tiếp cận với thể giới và khu vực, với xu hướng đón đầu công nghệ mới.
Chúng ta cần đánh giá thực trạng công nghệ bảo quản, chế biến áp dụng sau thu hoạch ở Việt Nam, đánh giá năng lực tiếp nhận và ứng dụng công nghệ của các doanh nghiệp như thế nào. Cần có những đánh giá chi tiết về tính phù hợp của công nghệ thế giới, khi đó mới có thể xây dựng một lộ trình tiếp cận công nghệ tiên tiến.
Giải quyết bài toán này không thể nhanh, vì nó vừa liên quan đến cơ chế chính sách, vừa là vấn đề vốn, thuế, còn nhiều cơ chế khác, vừa liên quan đến định hướng ưu tiên đầu tư của nhà nước và năng lực tiếp cận của doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, mới đây Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp với cơ quan quản lý doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hàn Quốc khai trương các điểm kết nối cung cầu nhằm cung cấp thông tin về công nghệ.
*Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

https://bnews.vn/

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập23
  • Hôm nay1,146
  • Tháng hiện tại21,082
  • Tổng lượt truy cập5,110,148
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây