Bên cạnh sâu bệnh hại, cỏ dại là đối tượng phải được phòng trừ bởi thiệt hại do cỏ dại gây ra trong sản xuất nông nghiệp là rất lớn. Rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, lượng lương thực mất đi từ cỏ dại gây ra hàng năm có thể nuôi sống 1 tỷ người. Để kiểm soát cỏ dại trong sản xuất nông nghiệp, người dân thường sử dụng biện pháp hoá học bởi hiệu quả cao và phòng trừ nhanh. Tuy nhiên, khi sử dụng thuốc trừ cỏ không tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng đã làm mất cân bằng hệ sinh thái, gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí, sản phẩm nông nghiệp không an toàn dẫn đến ảnh hưởng đến sức khoẻ con người. Vì vậy, để quản lý cỏ dại mà không cần dùng thuốc trừ cỏ trong sản xuất nông nghiệp, biện pháp canh tác đóng vai trò quan trọng trong sản xuất rau an toàn, rau hữu cơ.
Ngô rau hay còn gọi là ngô bao tử là loại rau tươi cao cấp, được thị trường Việt Nam và quốc tế rất ưa chuộng do bắp non có hàm lượng dinh dưỡng cao như protein, chất khoáng, vitamin A, vitamin C, sắt,…Ngô bao tử được coi là nguồn rau an toàn do được thu hoạch sớm, ít bị sâu bệnh phá hoại nhưng lại bị cỏ dại cạnh tranh các yếu tố sinh trưởng như ánh sáng, nước, dinh dưỡng và không gian sống đặc biệt ở giai đoạn đầu. Rất nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy, cỏ dại gây thiệt hại đến năng suất cây ngô là rất lớn, thậm chí làm mất năng suất ngô. Vì vậy, để hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững nói chung và sản xuất ngô rau an toàn nói riêng, việc xác định các biện pháp kỹ thuật canh tác vừa có tác dụng quản lý cỏ dại, vừa nâng cao năng suất, chất lượng cây ngô rau là rất cần thiết.
Các thí nghiệm ảnh hưởng các biện pháp canh tác, bao gồm mật độ trồng, thời kỳ làm cỏ, trồng xen đậu tương vào ruộng ngô và kỹ thuật trồng ngô đến quản lý cỏ dại và năng suất ngô rau cho thấy, việc kết hợp các biện pháp kỹ thuật có ảnh hưởng rõ rệt đến khả năng kiểm soát cỏ dại trên đồng ruộng cũng như năng suất ngô rau. Cụ thể, trồng mật độ từ 11 vạn đến 14 vạn cây/ha kết hợp với làm cỏ bằng tay 1 hoặc 2 lần có tác dụng hạn chế rõ rệt sự phát triển của cỏ dại, kích thích cây ngô sinh trưởng và phát triển tốt, dẫn đến năng suất tăng. Tương tự, trồng xen cây đậu tương cùng hàng với cây ngô rau kết hợp với mật độ trồng trên đã làm giảm tần suất xuất hiện và sinh trưởng của cỏ dại và cho năng suất ngô bao tử cao hơn rõ rệt so với các công thức khác. Tuy nhiên, trên các mật độ trồng khác nhau, việc trồng thẳng hay trồng sole cây ngô rau không thể hiện rõ vai trò trong việc kiểm soát cỏ dại cũng như không ảnh hưởng đến năng suất bắp non.
Như vậy, trong sản xuất ngô rau, để quản lý cỏ dại nên trồng mật độ dày (từ 11 vạn đến 14 vạn cây/ha) kết hợp với làm cỏ một lần ở giai đoạn cây ngô 3-4 lá, hoặc trồng mật độ dày kết hợp với trồng xen đậu tương cùng hàng với cây ngô sẽ hạn chế cỏ dại, đồng thời giúp cây ngô sinh trưởng, phát triển tốt và cho năng suất bắp cao.
Toàn cảnh thí nghiệm cây ngô rau ở giai đoạn 7 – 9 lá |
Thí nghiệm trồng xen ngô với đậu tương |
Ban Khoa học và Công nghệ
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn