Hội nghị với chủ đề "Chuyển giao công nghệ - Dịch vụ xã hội – Đào tạo nhân lực nông nghiệp trong thời kỳ 4.0" đã thu hút sự tham gia trực tiếp của gần 600 đại biểu là đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân 5 tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Phú Thọ, Lai Châu và Điện Biên.
GS.TS Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, đây là hoạt động đầu tiên trong chuỗi các sự kiện Học viện sẽ tổ chức tại các địa phương. Mục đích nhằm góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ để phát triển nông nghiệp miền múi phía Bắc theo hướng sinh thái, tuần hoàn, chất lượng, hiệu quả, bền vững.
Theo GS.TS Nguyễn Thị Lan, những năm gần đây, các tỉnh miền núi phía Bắc đã tập trung tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Các kết quả đạt được đã giúp các địa phương bảo đảm an toàn lương thực một cách vững chắc với sản lượng bình quân trên 450 kg/người. Bên cạnh đó, hình thành những vùng nông nghiệp hàng hóa, tập trung cho hiệu quả kinh tế cao như: vùng cây ăn quả sông Mã, vùng rau hoa quả ôn đới Mộc Châu (Sơn La), vùng cây có múi ở Cao Phong (Hòa Bình); rừng trồng mắc ca tại Điện Biên, Lai Châu… Thiết chế hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp và phục vụ đời sống cũng ngày một phát triển, bộ mặt nông thôn thay đổi sâu sắc; cuộc sống người dân cải thiện rõ nét cả về vật chất và tinh thần
Tuy vậy, về tổng thể nền nông nghiệp trong vùng vẫn dựa trên cơ cấu quy mô hộ nhỏ lẻ là chính. Đây là một trong những nguyên nhân cản trở việc đồng bộ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, cũng như các giải pháp tiên tiến trong canh tác nông nghiệp dẫn đến năng suất và hiệu quả kinh tế sản xuất không cao.
GS.TS Nguyễn Thị Lan cho rằng có nhiều giải pháp để giải quyết những vấn đề này song nổi lên hai vấn đề lớn cần tập trung tháo gỡ. Đó là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông nghiệp và tập trung ứng dựng khoa học và công nghệ trong tất cả các khâu của chu trình sản xuất.
“Đây chính là nội dung Học viện Nông nghiệp Việt Nam mong muốn được đồng hành với các địa phương, bà con nông dân, các thành phần kinh tế để thúc đẩy một nền nông nghiệp xanh, sạch, an toàn và hiệu quả”, GS.TS Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Sơn La Nguyễn Hữu Đông cho biết với chủ trương phát triển nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh có nhu cầu lớn về lao động có chuyên môn, có tay nghề cao.
Tuy nhiên so với mặt bằng chung của cả nước, trình độ khoa học -công nghệ và chất lượng lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu. Tỷ lệ thanh thiếu niên đi học và đang học ở các trường chuyên nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản còn thấp. Lực lượng lao động nông nghiệp dồi dào nhưng lao động được đào tạo có trình độ chuyên môn lại rất thiếu…
Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Sơn La Nguyễn Hữu Đông đề xuất Học viện Nông nghiệp Việt Nam triển khai các phương án để tuyển sinh học sinh của tỉnh Sơn La vào học tập; trọng tâm là tuyển sinh học sinh tại các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp. Đồng thời, kết nối cơ sở đào tạo của Học viện với doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh Sơn La trong giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tập huấn để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý ngành nông nghiệp Sơn La.
Bên cạnh đó, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH Sơn La Nguyễn Hữu Đông cũng đề xuất Học viện Nông nghiệp Việt Nam hợp tác nghiên cứu, chuyển giao, liên kết ứng dụng các công nghệ sinh học, công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nông nghiệp chính xác, nông nghiệp số, vật liệu mới; ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, nông thôn để phát triển sản xuất, sơ chế và chế biến nông, lâm, thủy sản theo hướng an toàn, hữu cơ, sinh thái.
Tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng chuyên sâu về công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ số an toàn trên không gian mạng cho các doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế ở khu vực nông thôn. Hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt, truy xuất nguồn gốc các mặt hàng nông lâm thủy sản và thực phẩm của tỉnh. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu, khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng đồng và thương mại điện tử.
Khẳng định mong muốn đồng hành với các địa phương trong chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, GS.TS Nguyễn Thị Lan cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam có đội ngũ nguồn nhân lực giàu kinh kiệm, được đào tạo bài bản, cơ sở vật chất hiện đại, mối quan hệ hợp tác quốc tế phong phú. Đây là nền tảng quan trọng cho hiệu quả hợp tác giữa Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Sơn La.
Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp tác với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Khoa học và Công nghệ, và Công ty CP Giống Bò sữa Mộc Châu của tỉnh Sơn La.
Trong 10 năm trở lại đây, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã tạo ra trên 40 giống cây trồng - vật nuôi, 32 bằng sáng chế, máy nông nghiệp. Hầu hết được ứng dụng tại các địa phương trong cả nước.
Đặc biệt, Học viện hiện có có 12 phòng thí nghiệm trọng điểm phục vụ các nghiên cứu chuyên sâu; trong đó có 6 phòng thí nghiệm đạt chuẩn ISO và 2 bệnh viện nông nghiệp lớn nhất cả nước là Bệnh viện Thú y và Bệnh viện Cây trồng.
Các phòng thí nghiệm, Bệnh viện đều được trang bị các thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ các nhà khoa học có chuyên môn cao đã trở thành cơ sở uy tín trong xét nghiệm, chẩn đoán, điều trị bệnh trên cây trồng, vật nuôi, chất lượng môi trường đất nước, phân bón. Hiện các phòng thí nghiệm phân tích được trên 700 chỉ tiêu dịch vụ.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn