Nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam 18/5, chào mừng kỷ niệm ngày sinh nhật Bác 19/5 và 65 năm kỷ niệm ngày Bác Hồ về thăm Học viện 24/5, sáng nay, 18/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) tổ chức Hội nghị "Tháng khoa học và công nghệ VNUA 2024".
Phát biểu chào mừng, GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Đại biểu Quốc hội Khóa XIV thuộc Đoàn đại biểu TP Hà Nội cho biết, Đại hội XIII của Đảng đã xác định tăng trưởng kinh tế, phát triển đất nước phải dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tận dụng tốt cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để có sự bứt phá trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực.
GS.TS. Nguyễn Thị Lan - Giám đốc Học viên Nông nghiệp Việt Nam phát biểu chào mừng, đồng thời cho biết, thời gian qua Học viện đã có nhiều sản phẩm trong nông nghiệp được ứng dụng từ hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Ảnh: Bình Minh |
Ngày 11/5/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030, với mục tiêu đến năm 2030, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo được phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng, góp phần quyết định đưa Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; góp phần phát triển toàn diện văn hóa, xã hội, con người, bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, nâng cao vị thế và uy tín quốc tế của Việt Nam...
Trong lĩnh vực nông nghiệp, khoa học công nghệ đóng góp trên 30% giá trị gia tăng của ngành và 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trong thời gian qua đã góp phần đưa Việt Nam vào nhóm các nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về gạo, cà phê, hồ tiêu, cao su, điều nhân...
Khoa học công nghệ cũng đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa nông sản đạt trên 53 tỷ USD/năm, thặng dư thương mại ngành đạt hơn 11 tỷ USD, mức cao nhất trong những năm gần đây và chiếm trên 42,5% xuất siêu cả nước, trong đó có 6 sản phẩm nông nghiệp có giá trị xuất khẩu trên 3 tỷ USD.
Sáng nay, 18/5, Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA) tổ chức Hội nghị "Tháng khoa học và công nghệ VNUA 2024". Ảnh: Bình Minh |
Về phía Học viện Nông nghiệp Việt Nam, trải qua 68 năm xây dựng và phát triển, với phương châm "Nghiên cứu khoa học là sức sống của trường đại học", Học viện đã đóng góp nhiều thành tựu khoa học công nghệ quan trọng phục vụ ngành, phục vụ đất nước. Theo đó, trong 12 năm trở lại đây, Học viện đã tạo ra 46 giống cây trồng, vật nuôi, 24 tiến bộ kỹ thuật, 10 sáng chế/Giải pháp hữu ích máy nông nghiệp, nhiều chế phẩm sinh học như giống, vắc-xin, thuốc, phân bón, nhiều giải pháp về thể chế chính sách… đã được ứng dụng rộng rãi trong sản xuất.
Trong năm 2023, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ như: Giống lúa DGC66 có hàm lượng amylose cao; Các tổ hợp triển vọng ngô siêu ngọt SSW18; ngô trái cây FC161, FC888, FC83; phân bón chuyên dùng cho cam, bưởi, thanh long; Chế phẩm thảo dược phòng bệnh tiêu chảy cho gà và lợn; Chế phẩm thảo dược – khoáng vi lượng dạng nano kháng khuẩn; Công nghệ phân giải histamine trong nước mắm truyền thống; Công nghệ sản xuất thức ăn bổ sung hỗ trợ miễn dịch cho gà, vịt và lợn (Ig1 Duck RAECSA, Ig1 Duck REPATEM, Ig1 Chicken SAECO, Ig1 Pig HMMP, Ig1 Pig ASPP, Probiozyme Oral…), nhiều chế phẩm bảo vệ sức khỏe từ vi tảo, nấm ăn, nấm dược liệu, thảo dược...
Đặc biệt, năm 2023, Học viện đã hoàn thành Trung tâm Nghiên cứu sản xuất và đổi mới sáng tạo với 20 phòng thí nghiệm nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực: Trồng trọt – BVTV; Chăn nuôi - Thú y - Thủy sản; công nghệ thực phẩm, môi trường. Mặt khác, Học viện cũng đang xúc tiến hoàn thiện nhà máy GMP, để sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khoẻ, thuốc thú y và mỹ phẩm...
Sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam vừa được đạo tạo về kiến thức chuyên ngành còn được tham gia vào các hoạt động nghiên cứu khoa học. |
Để kết quả hoạt động khoa học và công nghệ của Học viện ngày càng có nhiều đóng góp hơn cho xã hội, GS.TS. Nguyễn Thị Lan đề nghị thời gian tới, các thầy cô, các nhà khoa học cần tập trung một số hoạt động như: rà soát lại quy định quản lý và chính sách thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.
Thứ hai, rà soát và tổ chức lại hoạt động của các nhóm nghiên cứu mạnh và các LAB để khai thác tốt CSHT và trang thiết bị hiện có, đống thời phát huy tính tự chủ, sáng tạo của các cán bộ, nghiên cứu viên. Để từ đó tăng cường đấu thầu đề tài dự án các cấp và tăng cường xuất bản quốc tế.
Thứ ba, xây dựng các hướng/nhóm nghiên cứu mũi nhọn như: bảo tồn và khai tác nguồn gen, vắc-xin, chế phẩm sinh học, sản phẩm bảo vệ sức khoẻ. Đặc biệt, ưu tiên các nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo giống cây trồng, vật nuôi.
Thứ tư, rà soát, hoàn thiện công nghệ, sản phẩm để thương mại hoá sản phẩm khoa học và công nghệ: Học viện cần thiết phải thành lập bộ phận xúc tiến thương mại sản phẩm khoa học công nghệ, trong đó có các cán bộ có năng lực về marketing, luật, thiết kế đồ hoạ, tổ chức sự kiện…. nhằm hỗ trợ đăng ký SHTT, hoàn thiện công nghệ và thương mại sản phẩm.
Thứ Năm, tập trung xây dựng và vận hành hiệu quả Trung tâm NCXS; hoàn thiện và vận hành Nhà máy GMP: Mỹ phẩm, Sản phẩm chức năng, Thuốc Thú y
Trình bày tham luận tại Hội nghị, TS. Lê Thị Thanh Loan - Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh "Chính sách nông nghiệp", cho biết nhóm nghiên cứu được thành lập với mục tiêu nghiên cứu khoa học, đào tạo, tư vấn các vấn đề liên quan tới chính sách nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu của Chính phủ, các địa phương và các tổ chức kinh tế - xã hội khác. Đồng thời, đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp, từ đó xây dựng tập thể nghiên cứu có uy tín trong nước và quốc tế, góp phần nâng cao thương hiệu của Học viên Nông nghiệp Việt Nam bằng các kết quả nghiên cứu và tư vấn chính sách.
Nhóm nghiên cứu có 10 thành viên, trong đó có 1 trưởng nhóm, 1 thư ký, tổ chức thực hiện 13 nhiệm vụ như: tổ chức hội thảo, Seminar, trình bày tham luận hội thảo; công bố bài báo, tổ chức thực hiện đề tài trong nước và quốc tế; tư vấn chính sách...
TS. Lê Thị Thanh Loan - Trưởng nhóm nghiên cứu mạnh "Chính sách nông nghiệp" trình bày tham luận. Ảnh: Bình Minh |
Theo TS. Lê Thị Thanh Loan, nông nghiệp được xác đinh là 1 trong 8 trụ cột của chương trình "Chuyển đổi số Quốc gia". Kết quả, từ 2021 đến nay, nền nông nghiệp nước ta đã từng bước ứng dụng các công nghệ số trong quản lý, sản xuất và chế biến nông sản cũng như marketing, tiêu thụ sản phẩm. Các công nghệ điển hình đã được áp dụng vào nông nghiệp như: công nghệ máy bay không người lái để gieo hạt giống, bón phân, phun thuốc BVTV; công nghệ cảm biến để xác định các đặc tính sinh trưởng và phát triển của cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, thông qua các ứng dụng của chuyển đổi số, nhiều nông sản được giao dịch trên các sàn TMĐT giúp tăng đáng kể giá trị, lợi nhuận cho nông dân.
Tuy nhiên, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp không ít các khó khăn, thách thức như: quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún; các công nghệ số có chi phí đầu tư lớn và nhận thức về vai trò, lợi ích của chuyển đổi số ở cán bộ quản lý và nông dân còn nhiều hạn chế.
Trong năm 2023, các nhà khoa học của Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học công nghệ như: Giống lúa DGC66 có hàm lượng amylose cao; Các tổ hợp triển vọng ngô siêu ngọt SSW18; ngô trái cây FC161, FC888, FC83; phân bón chuyên dùng cho cam, bưởi, thanh long; Chế phẩm thảo dược phòng bệnh tiêu chảy cho gà và lợn... Ảnh: Bình Minh |
Thời gian tới, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong nông nghiệp, TS. Lê Thị Thanh Loan cho rằng cần giải quyết 5 vấn đề, cụ thể:
Thứ nhất, cụ thể hóa các chính sách chuyển đổi số, gắn chuyển đổi số với tái cơ cấu nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thứ hai, tiếp tục xây dựng chính quyền số, trong đó, đẩy mạnh các thủ tục hành chính trong nông nghiệp bằng cách số hóa.
Thứ ba, đào tạo kiến thức, kỹ năng cho người làm nông nghiệp theo hướng nông nghiệp số.
Thứ tư, hỗ trợ các HTX vùng sâu, vùng xa, khu vực đô thị và vùng ven biển để người dân tiếp cận được với hạ tầng số, cơ bản như: internet, 4G...
Thứ năm, tiếp tục đẩy mạnh quá trình tích tụ và tập trung đất đai, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp số.
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu được nghe các bài tham luận của TS. Nguyễn Thị Hoa - Phòng nghiên cứu trọng điểm công nghệ sinh học thú y về hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và dịch vụ xã hội và PGS.TS. Nguyễn Thanh Tuấn – Trưởng nhóm nghiên cứu xuất sắc với đề tài "Nghiên cứu và Phát triển nguồn gen thực vật".
Nhân dịp này, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã trao tặng bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ.
GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu kết luận Hội nghị. Ảnh: Bình Minh |
Phát biểu kết luận Hội nghị, GS.TS. Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho hay, Hội nghị đã nhận được các ý kiến đóng góp quý báu của các nhà khoa học, lãnh đạo và tham luận của các thầy, cô giáo trong học Học viện, từ đó là cơ sở để Ban khoa học công nghệ tiếp tục chỉnh sửa, phát triển công tác khoa học công nghệ của Học viện được tốt hơn.
Theo GS.TS. Phạm Văn Cường, năm 2024, hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ của Học viện có rất nhiều thuận lợi từ cơ sở vật chất, cơ chế chính sách... tuy nhiên, cũng còn đó nhiều thách thức, bởi vậy, các nhà khoa học cần khắc phục những khó khăn, phát huy hơn nữa tinh thần học hỏi, đoàn kết để nghiên cứu, ứng dụng vào thực tiễn, đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ nước nhà.
Nhân dịp này, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cũng trao bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động nghiên cứu khoa học. |
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn