Nuôi cá lồng tại hồ Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình

Thứ sáu - 01/03/2024 09:26

Hòa Bình là địa phương có điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển Nuôi trồng Thủy sản. Trong 5 năm trở lại đây, nghề nuôi cá lồng tại địa phương đang phát triển mạnh mẽ, đem lại sinh kế và cung cấp thực phẩm sạch và góp phần ổn định đời sống nhân dân địa phương. Từ đó đóng vai trò quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển nông thôn mới.

Hồ Hòa Bình có diện tích trên 10.450ha nằm ở địa bàn TP Hòa Bình và 4 huyện: Cao Phong, Đà Bắc, Tân Lạc, Mai Châu với chiều dài trên 80km. Đây là tiềm năng lớn về diện tích mặt nước để phát triển nghề nuôi cá lồng với các đối tượng nuôi bản địa như cá trắm cỏ, cá chép, cá bỗng và một số loài có giá trị kinh tế như cá nheo Mỹ, cá chiên, cá tầm đang được quan tâm khai thác. Hiện nay, hồ Hòa Bình đang là khu vực nuôi cá lồng được quy hoạch vùng nuôi trọng điểm của khu vực phía Bắc. Tính riêng năm 2022, Hòa Bình thống kê được 4.890 lồng cá trong hơn 1.000 cơ sở nuôi, sản lượng đạt gần 10.000 tấn (Chi cục Thủy sản Hòa Bình, 2022). Song hành cùng với nghề nuôi, thương hiệu cá sông Đà của hồ Hòa Bình đã xây dựng từ nhiều năm nay và được thị trường ghi nhận. Do đó, nuôi cá lồng là một trong những sinh kế quan trọng, mang lại nhiều việc làm và thu nhập cho người dân khu vực lòng hồ. Tuy nhiên, việc phát triển nghề nuôi cá lồng hiện đang gặp phải một số khó khăn, hạn chế.

Theo kết quả của nghiên cứu mới đây của Kim Minh Anh & cs. (2024), hầu hết các cơ sở nuôi cá lồng ở khu vực điều tra đều có quy mô nhỏ (hộ gia đình chiếm 86,7%); phổ biến là nuôi các loài thủy đặc sản giá trị cao; ngoài ra có một số cơ sở đang kết hợp phát triển du lịch sinh thái để tăng thêm thu nhập. Về nguồn giống, một số loài chưa chủ động sản xuất được con giống, chủ yếu là đánh bắt từ tự nhiên. Tỉ lệ lồng bỏ trống cao (chiếm 23,7%) do vận hành không hiệu quả hoặc đang chuẩn bị cho vụ nuôi mới. Hầu hết các cơ sở nuôi sử dụng lồng lưới khung kim loại có kích thước 6×6×3m, lồng nuôi công nghệ cao đã bắt đầu xuất hiện. Đa số các cơ sở được điều tra thường kết hợp thức ăn viên và cá tạp. Bên cạnh đó, chất lượng cá lồng nuôi hồ được đánh giá cao nhưng tiêu thụ sản phẩm chưa tốt.

 

 Bản đồ phân bố vùng nuôi cá lồng tập trung trên hồ Hòa Bình
Công tác vệ sinh, chuẩn bị chuẩn bị lồng cho vụ nuôi mới 
 Thức ăn được sử dụng trong nuôi lồng hiện nay
Một số đối tượng thủy đặc sản mới tại khu vực (ếch, cá tầm,...) 

Nghiên cứu cũng gợi ý một số giải pháp hướng đến phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng hồ Hòa Bình bao gồm: giám sát chặt chẽ phát triển lồng nuôi trong vùng quy hoạch và thực hiện quy định về thuốc hóa chất; nâng cao trình độ chuyên môn người nuôi; đầu tư sản xuất giống và quản lý môi trường vùng nuôi; tăng cường liên kết sản xuất – tiêu thụ.

Chi tiết tham khảo tại: http://tapchinongnghiep.vn/

NCM Bệnh Thủy sản

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập3
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm2
  • Hôm nay689
  • Tháng hiện tại103,677
  • Tổng lượt truy cập4,404,949
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây