Nhân giống in vitro cây Lan Thạch hộc tía (Dendrobium officinale Kimura et Migo)

Thứ tư - 22/05/2024 10:10

Lan Thạch hộc tía có tên khoa học là Dendrobium officinale Kimura et Migo, thuộc chi Hoàng thảo, là một loài lan quý hiếm và đang bị đe doạ tuyệt chủng. Hoàng thảo là một trong những chi lớn nhất của của họ Lan (Orchidaceae). Ở Việt Nam hiện biết 107 loài và một thứ thuộc chi Hoàng thảo, phân bố chủ yếu ở vùng núi từ Bắc vào Nam và trên một số đảo ven biển. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, do những nguyên nhân khác nhau, nhiều loài Hoàng thảo ở nước ta đã bị tuyệt chủng hoặc đe doạ tuyệt chủng. Vì vậy, một số loài lan thuộc chi Hoàng thảo đã được đưa vào danh mục Đỏ của “Sách đỏ Việt Nam”. Ngoài giá trị thẩm mỹ, thân và hoa Lan Thạch hộc tía có nhiều hoạt chất có hoạt tính sinh học quý, được sử dụng làm thuốc trong đông y và y học Trung Quốc. Nhiều nghiên cứu hiện đại cũng đã cho thấy các hoạt chất chứa trong lá và thân lan Thạch hộc có tác dụng tích cực đến việc điều trị một số loại bệnh ung thư. Do đó, nhu cầu tiêu thụ lan Thạch hộc trên thị trường là rất lớn và là nguyên nhân khiến chúng đang bị khai thác cạn kiệt ngoài tự nhiên.

 Hình 1. Lan Thạch hộc tía (Ảnh sưu tầm)

Mặc dù, điều kiện tự nhiên của Việt Nam rất phù hợp với sinh trưởng của lan Thạch hộc, nhưng do tác động của quá trình đô thị hoá nông thôn và miền núi, sinh cảnh tự nhiên của lan Thạch hộc đã mất đi nhiều làm cho sự sinh trưởng, sinh sản ngoài tự nhiên của loài hoa này rất hạn chế. Vì vậy nhóm nghiên cứu thuộc Khoa Nông học, Học viện Nông nghiệp Việt Nam đã nghiên cứu để hoàn thiện quy trình nhân giống in vitro cây lan Thạch hộc tía phục vụ mục đích bảo tồn và phát triển loài lan này.

Nhóm tác giả đã thực hiện phương pháp nghiên cứu đánh giá ảnh hưởng của chế độ khử trùng, nguồn vật liệu ban đầu và dinh dưỡng hữu cơ đến phát sinh hình thái, ảnh hưởng của môi trường nền và các chất điều tiết sinh trưởng tới khả năng nhân nhanh cụm chồi lan và ảnh hưởng của nền môi trường và than hoạt tính đến sinh trưởng của chồi lan Dendrobium officinale Kimura et Mig.

 Hình 2. Thí nghiệm vào mẫu gieo hạt lan
Hình 3. Cụm chồi lan ở các nền môi trường khác nhau (sau 8 tuần nuôi cấy) 
 Hình 4. Rễ của chồi lan ở các nền môi trường khác nhau (sau 8 tuần nuôi cấy)

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nguồn vật liệu ban đầu là quả lan đã tạo được 100% mẫu sống, phát sinh protocorn và chồi, ưu thế hơn so với nguồn vật liệu ban đầu là chồi lan (tỷ lệ mẫu sống chỉ 2-3%). Bổ sung thêm nước dừa vào môi trường nuôi cấy không mang lại hiệu quả rõ rệt trong quá trình phát sinh hình thái lan Dendrobium officinale Kimura et Migo. Môi trường MS phù hợp (hệ số nhân đạt 2,56 protocorn/8 tuần) cho quá trình nuôi cấy nhân nhanh cụm chồi lan. Thêm đó, bổ sung chất điều tiết sinh trưởng a-NAA ở nồng độ 1ppm hoặc BAP ở nồng độ 3ppm vào môi trường nền cho số lượng chồi lớn nhất (45 protocorn/8 tuần) và hệ số nhân chồi cao 2,61 protocorn/8 tuần). Đối với sinh trưởng in vitro của chồi lan, nền môi trường khoáng RE bổ sung thêm 0,1% than hoạt tính là tối ưu cho tạo cây hoàn chỉnh.

Link thông tin chi tiết truy cập tại: https://tapchi.vnua.edu.vn/wp-content/uploads/2024/04/tap-chi-so-4.1.pdf

Nguồn tin: Đào Hương - NXB Học viện Nông nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập19
  • Hôm nay1,852
  • Tháng hiện tại21,788
  • Tổng lượt truy cập5,110,854
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây