Nhóm nghiên cứu mạnh - Bước đột phá trong phát triển khoa học và công nghệ tại Học viện

Thứ sáu - 29/12/2017 15:07

Đối với các cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu khoa học là xương sống, là linh hồn và là động lực để đẩy mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục và vị thế của cơ sở giáo dục đào tạo. Theo Nghị định số 99/2014/NĐ-CP phát triển nhân lực khoa học và công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học bao gồm: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý khoa học; Xây dựng, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ tài năng.

Hoạt động nghiên cứu khoa học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; Cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 diễn ra trên 3 lĩnh vực chính gồm Công nghệ sinh học, Kỹ thuật số và Vật lý. Những yếu tố cốt lõi của Kỹ thuật số trong Cuộc cách mạnh công nghiệp 4.0 sẽ là: Trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) và dữ liệu lớn (Big Data); Sự hình thành và phát triển mạnh mẽ của thị trường khoa học và công nghệ (sau khi thực hiện luật KHCN, Luật chuyển giao công nghệ sửa đổi năm 2013) nơi chỉ có các sản phẩm khoa học công nghệ chất lượng được chấp nhận; Đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia và phong trào khởi nghiệp ngành trong lĩnh vực nông nghiệp gắn với nhu cầu công nghệ mới, đổi mới công nghệ của các doanh nghiệp ngày càng tăng… Do vậy, việc hoàn thiện, đẩy mạnh sự liên kết trong hoạt động nghiên cứu khoa học nhằm tạo ra sản phẩm khoa học đáp ứng nhu cầu của xã hội là nhiệm vụ cấp bách hiện nay.

Nhóm nghiên cứu mạnh tạo ra môi trường nghiên cứu khoa học chuyên nghiệp, khai thác tốt nguồn nhân lực khoa học chất lượng cao

Nhận thức được tầm quan trọng, vai trò của nhóm nghiên cứu mạnh, trung tâm nghiên cứu xuất sắc và quan trọng hơn là sử dụng, khai thác và phát huy niềm đam mê nghiên cứu khoa học của đội ngũ cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản tại các nước tiên tiến (63% trong tổng số hơn 1300 cán bộ nghiên cứu có độ tuổi 30-45 được đào tạo từ các nước tiên tiến), ngay từ đầu năm 2017, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ Học viện đã đề ra mục tiêu quan tâm xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, tiến tới xây dựng các nhóm nghiên cứu quốc tế.

Từ chủ trương này, Học viện đã chủ động đưa ra nhiều giải pháp mạnh mẽ, định hướng cụ thể như: đầu tư thỏa đáng về nhân lực, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước, thay đổi cách tiếp cận (từ tiếp cận đơn lẻ sang tiếp cận hệ thống, giải quyết vấn đề theo chuỗi, phát huy truyền thống nghiên cứu và lợi thế đa ngành của Học viện), cân bằng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng… hình thành môi trường nghiên cứu thuận lợi nhất, chuyên nghiệp nhất để các nhà khoa học có thể triển khai ý tưởng nghiên cứu của mình. Tính đến tháng 12 năm 2017, Học viện đã có khoảng trên 60 nhóm nghiên cứu mạnh (trong đó 49 nhóm nghiên cứu mạnh cấp Học viện) trong tất cả các lĩnh vực như: Nghiên cứu chọn tạo và phát triển bền vững các giống cây trồng (cây lúa, cây mầu, cây dược liệu, cây công nghiệp, nông nghiệp hữu cơ…); Nghiên cứu về công nghệ sinh học trong nông nghiệp; Nghiên cứu về môi trường biến đổi khí hậu (công nghệ và kỹ thuật xử lý môi trường, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, quản lý dinh dưỡng cây trồng…); Nghiên cứu về chăn nuôi, thú y (chọn tạo các giống vật nuôi mới, khai thác nguồn gen bản địa, sản xuất thuốc thú y, vacxin...), Nghiên cứu về công nghệ thực phẩm (bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp, khai thác các hợp chất tự nhiên…); Nghiên cứu các thể chế chính sách, tổ chức sản xuất trong nông nghiệp (thị trường và vấn đề phát triển thị trường, chính sách trong xây dựng nông thôn mới, cấu trúc xã hội nông thôn,…).

 

2017 2212ncmkhcn002

 

Các nhóm nghiên cứu mạnh được thành lập trên cơ sở tập hợp các nhà khoa học (Cán bộ khoa học của một phòng thí nghiệm, bộ môn, khoa, viện, trung tâm nghiên cứu và sự tham gia của các cán bộ khoa học ở các đơn vị trong và ngoài Học viện) theo cùng hướng chuyên môn, cùng nhau hoạt động; được tổ chức theo cơ chế mở; hoạt động có tính ổn định tương đối nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững của quá trình đầu tư và phát triển. Với mục tiêu là tích hợp, kết nối nhiều đề tài thành chương trình nghiên cứu lớn, hướng đến sản phẩm KH&CN tiêu biểu quốc gia, quốc tế; tạo được các yếu tố cạnh tranh; có thể đầu tư hướng tới hình thành các trung tâm nghiên cứu xuất sắc, nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và đào tạo của giảng viên, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao đáp ứng và phục vụ nhu cầu xã hội; tiếp cận được các tiêu chí của đại học nghiên cứu tiên tiến; có khả năng làm nòng cốt hoặc phối hợp với các nhóm nghiên cứu khác để triển khai các hoạt động khoa học.

Định hướng nghiên cứu theo nhu cầu xã hội và ứng phó với biến đổi khí hậu

Xác định hướng nghiên cứu là khâu quyết định đến sự thành công của nhóm nghiên cứu, các hướng nghiên cứu cần bám sát được định hướng nghiên cứu của quốc gia, ngành và Học viện. Một số định hướng nghiên cứu chính gồm:

* Lĩnh vực nông học: Ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ truyền thống trong chọn tạo giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao chống chịu với điều kiện bất thuận; Bảo tồn và khai thác các nguồn gen bản địa và nhập nội; Nghiên cứu các quy trình công nghệ canh tác phù hợp: công nghệ Aquaponics, canh tác hữu cơ, canh tác tiết kiệm nước, phân bón, hạn chế sâu bệnh hại...; Nghiên cứu phát triển các kỹ thuật phân tử chẩn đoán các bệnh do virus, phytoplasma, vi khuẩn biệt dưỡng trên một số cây trồng quan trọng (chuối, đu đủ, cây có múi, hồ tiêu, cây rau họ cà, bầu bí) (PCR, RT/PCR, LAMP, RCA, ELISA, que thử nhanh); Phát triển chế phẩm sinh học (nấm, vi khuẩn) nhằm phòng chống một số bệnh nấm/tuyến trùng truyền qua đất; Nghiên cứu phát triển các loại chế phẩm sinh học, chất điều tiết sinh trưởng, ra hoa, trái vụ và dinh dưỡng qua lá cho cây công nghiệp...

* Lĩnh vực chăn nuôi - thú y:  Ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn tạo, phát triển các giống vật nuôi năng suất, chất lượng cao như: lợn Pietrain kháng stress, lợn Landrace và Yorkshire có năng suất sinh sản cao…; Bảo tồn và phát triển các giống vật nuôi bản địa: lợn Móng Cái, gà Hồ, gà Đông Tảo, gà Mông, vịt Vân Đình, vịt Sín Chéng...; Ứng dụng công nghệ vi sinh trong chế biến thức ăn chăn nuôi - thủy sản từ phụ phẩm nông nghiệp thay thế nguyên liệu ngoại nhập; Sản xuất phôi tươi, tinh phân biệt giới tính (tươi, đông lạnh) vật nuôi và động vật cảnh có giá trị kinh tế cao; Sản xuất được các loại vắc xin đơn giá và đa giá phòng bệnh cho vật nuôi có hiệu quả cao từ chủng giống gốc được chọn tạo từ các chủng vi sinh vật gây bệnh tại Việt Nam; Sản xuất chế phẩm probiotics kích thích tăng trưởng và tăng sức đề kháng cho vật nuôi; Chế phẩm thảo dược phòng trị bệnh cho gia súc, gia cầm; Vi sinh xử lý chất thải chăn nuôi; Sản xuất kit chẩn đoán bệnh gia súc, gia cầm, kit phát hiện động dục, nâng cao khả năng sinh sản ở trâu bò; Kit chẩn đoán vi sinh vật, tồn dư các chất kích thích tăng trưởng trong thực phẩm nguồn gốc động vật...

* Lĩnh vực công nghệ sinh học: Sản xuất các công cụ chẩn đoán nhanh thời điểm rụng trứng, xác định thời điểm phối giống và chẩn đoán có thai sớm trên vật nuôi và động vật cảnh; Xây dựng bản đồ gen, phân lập gen để làm cơ sở cho công tác chọn tạo giống cây trồng, giống vật nuôi; đặc biệt là nguồn gen chất lượng cao, kháng bệnh, gen chống chịu mặn và hạn; Thu thập, lai tạo được nguồn gen nấm ăn, nấm dược liệu của Việt Nam và thế giới; Nghiên cứu chế tạo chế phẩm nano đặc hiệu ứng dụng trong phòng trừ một số loại bệnh trên cây trồng, vật nuôi, thủy sản và nâng cao năng suất, chất lượng của cây trồng, vật nuôi; kit nano đặc hiệu phát hiện kim loại nặng, tồn dư kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong nông sản và thực phẩm...; Phân lập, sàng lọc, lưu giữ và phát hiện các loài, chủng vi tảo có tiềm năng ứng dụng để tạo các sản phẩm thực phẩm dinh dưỡng cho người, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản; Khai thác các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học ở vi tảo, vi khuẩn và vi nấm, tạo các sản phẩm bảo vệ và nâng cao sức khỏe cộng đồng; Nghiên cứu ứng dụng vi sinh vật trong phát triển các chế phẩm BVTV, phân bón, chất điều hòa sinh trưởng, phòng bệnh vật nuôi.

* Lĩnh vực công nghệ thực phẩm: Phát triển và ứng dụng các loại màng trong bảo quản rau quả; Công nghệ sản xuất đồ uống từ một số loại quả đặc sản (thanh long, chanh leo, me rừng…); Phát triển sản phẩm mới từ các nguyên liệu chứa các chất có hoạt tính sinh học cao (chè, sim, thanh long, mướp đắng...) có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng; Công nghệ sản xuất thực phẩm ăn liền giàu dinh dưỡng, giàu hoạt chất sinh học (cháo, cơm dưỡng sinh; bột dinh dưỡng giàu đạm và vitamin D; bánh/thanh cao đạm...); Xác định các hợp chất tự nhiên có hoạt tính sinh học cao (polyphenol, tinh dầu tía tô...) và ứng dụng để bảo quản thực phẩm và sản xuất thực phẩm chức năng; Quy trình công nghệ cải thiện chất lượng thực phẩm (sữa chức năng, nước mắm...); Hệ thống quản lý chất lượng thực phẩm.

* Lĩnh vực cơ điện: Công nghệ chế tạo máy và thiết bị, cơ giới hóa đồng bộ sản xuất lúa, ngô, khoai, mía, sắn, đậu tương, lạc, cà phê, chè, và rau quả qui mô tập trung; Ứng dụng công nghệ tự động hóa và sử dụng nguồn năng lượng tối ưu cho bảo quản, chế biến nông sản thực phẩm và phục vụ chăn nuôi. Nghiên cứu hệ thống giám sát tự động phục vụ nông nghiệp thông minh.

*Lĩnh vực kinh tế - kinh doanh nông nghiệp: Nghiên cứu về kinh tế vĩ mô: chính sách nông nghiệp, chính sách phát triển nông thôn, chính sách tam nông (nông nghiệp, nông thôn, nông dân), tác động của chính sách đến phát triển nông nghiệp, nông thôn Việt Nam, chính sách đất đai và một số chính sách có liên quan khác (chính sách thủy lợi..), cơ hội kinh tế cho người nghèo nông thôn; Tác động của các chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn, chính sách quản lý tài nguyên môi trường…; Nghiên cứu ngành hàng: chuỗi cung ứng nông sản, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, thực hành nông nghiệp tốt, đánh giá tiềm năng, dự báo ngành hàng, hành vi người tiêu dùng; Nghiên cứu về tác động của hội nhập: nông nghiệp trong hội nhập, ảnh hưởng tới việc làm, dịch chuyển lao động, phúc lợi xã hội, di cư nông thôn-thành thị; quan hệ nông thôn-thành thị, đô thị hóa, công nghiệp hóa, giới trong nông nghiệp nông thôn, vấn đề nghèo đói và các ảnh hưởng đối với nhóm dễ bị tổn thương (người nghèo, phụ nữ, nhóm dân tộc, vùng sâu vùng xa, nhóm mất đất…), tác động của hội nhập quốc tế tới khai thác, quản lý và sử dụng các nguồn tài nguyên tự nhiên và môi trường; Nghiên cứu về chiến lược và chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn: chiến lược, kế hoạch phát triển nông nghiệp nông thôn, vấn đề việc làm, cải thiện sinh kế, xóa đói giảm nghèo, phát triển miền núi và các vấn đề kinh tế, xã hội nông thôn, chính sách tạo việc làm nông thôn, phát triển bền vững nông thôn, khuyến nông, phát triển cộng đồng; Nghiên cứu về thể chế nông thôn: Thể chế cơ sở nông thôn, qui hoạch nông thôn, mô hình phát triển nông thôn, ngành nghề nông thôn, kinh tế thương mại dịch vụ, du lịch nông thôn…; Nghiên cứu về kinh tế ngành sản xuất, kinh tế nguồn lực: qui hoạch phát triển vùng sản xuất, kinh tế sản xuất lúa, rau, hoa quả…kinh tế đất, kinh tế biển…; Phát triển doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế hợp tác và thu hút đầu tư vào nông nghiệp nông thôn: phát triển liên kết nông dân-doanh nghiệp, liên kết 4 nhà, phát triển làng nghề, doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nông thôn, phát triển kinh tế hợp tác và liên kết nông dân, hợp tác xã…; Chính sách đổi mới dịch vụ công: Giải pháp nâng cao tiếp cận của người dân với dịch vụ công, vai trò xã hội dân sự, phát triển kinh tế vùng…, nhu cầu khuyến nông; Kinh tế và quản lý nguồn tài nguyên, môi trường: Các giải pháp cho biến đổi khí hậu, đánh giá tác động môi trường nông thôn, giải pháp phát triển bền vững nguồn tài nguyên, định giá nước, chính sách giá nước, giá dịch vụ, hiệu quả quản lý và sử dụng tài nguyên, thiệt hại do ô nhiễm, ô nhiễm thành thị, nghiên cứu tăng cường công tác quản lý tài nguyên môi trường nhằm giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường và suy thoái tài nguyên; Các vấn đề về rủi ro: quản lý rủi ro trong nông nghiệp, nông thôn; Bảo hiểm nông nghiệp, bảo hiểm cộng đồng, an ninh lương thực, an toàn lương thực.

* Lĩnh vực công nghệ thông tin: Xây dựng các mô hình tính toán và phân tích dữ liệu để giải quyết các vấn đề trong quy hoạch và sử dụng tài nguyên, dự báo năng suất cây trồng, dịch hại...; Sử dụng các thuật toán di truyền (Genetic algorithem) và trí tuệ nhân tạo (Artificial neural network) trong các mô hình dự báo biến động sử dụng đất, dự báo rủi ro thiên tai và tác động môi trường; Nghiên cứu các phương pháp phân tích xử lý hình ảnh, video và ứng dụng trong nông nghiệp; Mô hình hóa hệ truyền bệnh dịch, hệ vi sinh vật trong đất qua các hệ tán xạ- khuếch tán trên mạng.

Sản phẩm định hướng của các nhóm nghiên cứu:

+ Giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, đặc thù và có khả năng xuất khẩu, cạnh tranh quốc tế;

+ Quy trình công nghệ canh tác, nuôi trồng hiệu quả và an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường sinh thái;

+ Chế phẩm sinh học tăng năng suất, phòng và trị bệnh cho cây trồng, vật nuôi; các chế phẩm xử lý môi trường nông nghiệp và nông thôn;

+ Sản phẩm cơ khí phục vụ sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh;

+ Giải pháp về quy hoạch, thể chế, chính sách phát triển nông nghiệp giá trị gia tăng cao và bền vững.

 

Ban Khoa học và Công nghệ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập13
  • Hôm nay1,840
  • Tháng hiện tại64,029
  • Tổng lượt truy cập4,256,642
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây