Hội thảo quốc tế lần 2 về Nông nghiệp, Môi trường và Giáo dục (ICEEA 2021), với chủ đề "Hệ thống lương thực, thực phẩm và sinh kế bền vững: Chuyển đổi các khám phá thành các giải pháp và ứng dụng"

Thứ năm - 26/08/2021 09:35

Sáng ngày 25/8/2021, Học viện Nông nghiệp Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Nông nghiệp Central Bicol, Philippines (CBSUA) và Cục nghiên cứu và Phát triển hệ sinh thái (ERDB), Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phillipines đồng tổ chức Hội thảo quốc tế lần 2 về Nông nghiệp, Môi trường và Giáo dục (ICEEA 2021), với chủ đề "Hệ thống lương thực, thực phẩm và sinh kế bền vững: Chuyển đổi từ các khám phá thành các giải pháp và ứng dụng". Hội thảo diễn ra theo hình thức trực tuyến từ địa điểm chính là Trường Đại học Nông nghiệp Central Bicol, Philippines kết nối với các cá nhân, tổ chức, trường đại học và đối tác trên nền tảng Zoom.

 Hội thảo quốc tế có sự tham gia đông đảo của các nhà khoa học từ nhiều quốc gia theo hình thức trực tuyến trên nền tảng Zoom
GS. TS. Alberto N. Naperi, DPA, Hiệu trưởng Trường Đại học Nông nghiệp Central Bicol, Philippines (CBSUA) phát biểu tại Lễ khai mạc 

  

ICEEA 2021 lần thứ 2 nhằm tập hợp và chia sẻ cùng nhau những sáng kiến, đổi mới và gắn kết sự tham gia của các cộng đồng nhằm giải quyết các nhu cầu cấp thiết về lương thực, thực phẩm và sinh kế trong bối cảnh toàn cầu phải đối mặt với những thách thức chưa từng có hiện nay. Khi thời kỳ bất ổn toàn cầu diễn ra, lương thực thực phẩm và sinh kế trở thành trọng tâm trong các yêu cầu của xã hội. Các cộng đồng, quốc gia và các khu vực đã học hỏi và nhận thức được rằng việc đối phó với cuộc khủng hoảng này sẽ quyết định đến tương lai của tất cả chúng ta.

Theo đó, mục tiêu của Hội thảo này nhằm tăng cường chia sẻ ý tưởng và kiến thức giữa các bên, thiết lập mối quan hệ trong nghiên cứu khoa học và hoạt động hợp tác quốc tế, tạo ra một diễn đàn cho các nhà khoa học, các nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế có cơ hội kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin, giới thiệu các công nghệ tiên tiến và khám phá khoa học gần đây trong lĩnh vực nông nghiệp, môi trường và giáo dục, đồng thời đề xuất những giải pháp sáng tạo và đổi mới khẩn cấp nhằm tạo ra những hệ thống lương thực thực phẩm và sinh kế bền vững giữa các quốc gia.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm và tham gia của trên 250 đại biểu, là các chuyên gia đầu ngành, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nhân đến từ 12 quốc gia trên thế giới gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Myanmar, Timor Leste, Campuchia, Sri Lanka, Liberia.

Chủ đề của hội thảo tập trung vào những khía cạnh chủ yếu và cấp thiết về nông nghiệp, môi trường và giáo dục; các chủ đề cụ thể gồm: (1) Nông nghiệp bền vững (Sản xuất, bảo vệ và chất lượng nhà máy bền vững; Kiểm soát dịch hại sinh học và IPM trong các hệ thống được bảo vệ; Đa dạng sinh học nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên sinh học; Hệ thống sản xuất nông nghiệp; Kinh tế nông nghiệp; Kinh doanh nông nghiệp và quản lý tài chính; (2) Môi trường (Tác động, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu; Bảo tồn môi trường; Nâng cao khả năng chống chịu của môi trường; Quản lý tổng hợp trên biển và trên cạn; Quản trị môi trường; Giáo dục môi trường; (3) Giáo dục (Công nghệ hiệu quả trong lớp học về giáo dục môi trường; Phát triển chương trình giảng dạy về môi trường; Đổi mới sáng tạo phương pháp học tập; Các phương pháp giảng dạy; Cải tiến thực hành phương pháp giảng dạy và học tập).

  PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo
 

Phát biểu tại phiên khai mạc Hội thảo, PGS.TS. Phạm Bảo Dương - Phó Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam bày tỏ vui mừng và vinh dự khi là trường thành viên tham gia đồng tổ chức Hội thảo. PGS. TS. Phạm Bảo Dương cho biết, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trường đại học hàng đầu Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu khoa học nông nghiệp, môi trường và phát triển, do đó, trao đổi học thuật thông qua các hội thảo, hội nghị quốc tế là một trong những ưu tiên và mối quan tâm của Học viện.

PGS. TS. Phạm Bảo Dương tin tưởng rằng chương trình Hội thảo quốc tế về Nông nghiệp, Môi trường và Giáo dục (ICEEA 2021), với chủ đề "Hệ thống lương thực, thực phẩm và sinh kế bền vững: Sự dịch chuyển từ các khám phá thành các giải pháp và ứng dụngsẽ là cơ hội quý báu, là diễn đàn bổ ích cho các trường thành viên, các đối tác có thể trao đổi, thảo luận để từ đó tìm ra những hướng đi chung hiệu quả, giải quyết một số vấn đề quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh nông nghiệp, môi trường và giáo dục đang đặt ra những thách thức chưa từng có hiện nay. Đồng thời, Học viện mong muốn thông qua hội thảo, sẽ mở ra không gian và cơ hội để các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà quản lý đến từ các quốc gia trên thế giới tăng cường cơ hội hợp tác nghiên cứu khoa học và đào tạo, làm giàu thêm kiến thức trong thời gian tới.

 
 
 
 Trình bày của các diễn giả tại phiên khai mạc Hội thảo

 

Tại phiên khai mạc Hội thảo vào buổi sáng 25/8/2021, các đại biểu tham dự đã được nghe 04 bài trình bày của 4 diễn giả đến từ các quốc gia khác nhau, gồm: (1) Phát triển bền vững công nghệ trong nông nghiệp - Đặt trọng tâm vào việc học tập của nông dân của GS. TS. Andrew Flachs (ĐH Purdue, Mỹ)(2) Yếu tố giới ảnh hưởng thế nào đến sự lựa chọn nghề nghiệp - Thực trạng ở Nhật Bản và những can thiệp về mặt giáo dục nhằm thu hẹp khoảng cách của GS. TS. Tomoko Adachi (Đại học Osaka Kyoiku, Nhật Bản); (3) Quyết tâm chính trị trong quản trị địa phương: Tác động của nó đến quản lý chất thải rắn và an ninh quốc gia của TS. Joan A. Lagunda (Bộ Tài nguyên và Môi trường Philippines); và (4) Góc nhìn giới về sự thích ứng với biến đổi khí hậu tại Khu dự trữ sinh quyển vùng Đồng bằng sông Hồng, Việt Nam của TS. Quyền Đình Hà (Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Bên cạnh đó, các thành viên còn tích cực tham gia thảo luận, trao đổi cùng các chuyên gia châu Âu liên quan đến các chủ đề hội thảo như ứng dụng công nghệ hiệu quả, đổi mới và phát triển chương trình và phương pháp giảng dạy trong về giáo dục môi trường; phát triển các hệ thống canh tác bền vững, đa dạng sinh học nông nghiệp và tài nguyên thiên nhiên sinh học; phát triển chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị lương thực, thực phẩm an toàn và bền vững; đánh giá các tác động, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu, nâng cao khả năng chống chịu của môi trường, quản trị môi trường,...

Hội thảo quốc tế về Nông nghiệp, Môi trường và Giáo dục (ICEEA 2021), với chủ đề "Hệ thống lương thực, thực phẩm và sinh kế bền vững: Sự dịch chuyển từ các khám phá thành các giải pháp và ứng dụng" được chia làm 13 phiên theo 3 nhóm chủ đề: Nông nghiệp, Môi trường và Giáo dục, với sự tham gia trình bày của 200 nhà nghiên cứu đến từ hơn 10 quốc gia khác nhau, trong đó có 14 nghiên cứu được trình bày tại Hội thảo đến từ các chuyên gia, giảng viên từ Học viện Nông nghiệp Việt Nam.

GS. TS. Nguyễn Thị Lan, GS.TS. Alberto N. Naperi, DPA và TS. Henry A. Adornado kí trực tuyến Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ba đơn vị 

Tại buổi khai mạc hội thảo, cũng đã diễn ra lễ ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ba đơn vị dưới hình thức trực tuyển, gồm Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), Trường Đại học Nông nghiệp Central Bicol, Philippines (CBSUA) và Cục nghiên cứu và Phát triển hệ sinh thái - Bộ Tài nguyên và Môi trường Phillipines (DENR-ERDB). Theo đó, đại diện các bên gồm có GS.TS. Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam (VNUA), về phía Trường Đại học Nông nghiệp Central Bicol, Philippines (CBSUA) có GS.TS. Alberto N. Naperi, DPA - Hiệu trưởng ĐH CBSUA, về phía Cục nghiên cứu và Phát triển hệ sinh thái - Bộ Tài nguyên và Môi trường Phillipines (DENR-ERDB) có TS. Henry A. Adornado - Giám đốc. Dựa trên những trao đổi và thảo luận trước đó, các bên đã thống nhất ưu tiên thúc đẩy hợp tác trong việc đồng tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm trong nghiên cứu, đào tạo về nông nghiệp, môi trường và giáo dục. Trên cơ sở thế mạnh và nhu cầu hợp tác của các bên, GS.TS. Nguyễn Thị Lan, GS.TS. Alberto N. Naperi, DPA và TS. Henry A. Adornado đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác giữa ba bên tập trung vào các lĩnh vực như sau: (i) Tích cực thúc đẩy hợp tác và cùng tổ chức các hội thảo quốc tế về nông nghiệp, môi trường và giáo dục (ICEEA), (ii) Chỉ định một đồng chủ tịch sẽ là đại diện chính thức của Học viện tham gia vào ICEEA, (iii) Tích cực hỗ trợ ICEEA trong việc triển khai và thực hiện, (iv) Giới thiệu, quảng bá thông tin về hội thảo quốc tế và mời các diễn giả và các nhà nghiên cứu từ VNUA và các trường đại học nước ngoài khác trình bày kết quả nghiên cứu của họ tại Hội thảo, (v) Đảm bảo sự tham gia tích cực của các giảng viên và nhà nghiên cứu trong hội thảo quốc tế.

Hội thảo diễn ra trong 02 ngày, từ ngày 25/8/2021 đến ngày 26/8/2021. Kết thúc phiên toàn thể ngày 25/8/2021.

 Các thành viên tham gia và trao đổi, thảo luận tại Hội thảo
 

Khoa Kinh tế và PTNT (Nhóm NCM Quản lý Phát triển nông thôn)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập20
  • Hôm nay76
  • Tháng hiện tại21,873
  • Tổng lượt truy cập5,110,939
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây