Một nhà giáo, nhà khoa học thú y xuất sắc

Thứ bảy - 07/05/2016 08:32
 Là tác giả mấy chục cuốn sách, hàng chục công trình nghiên cứu có giá trị thực tiễn cao, PGS-TS Nguyễn Bá Hiên đồng thời góp phần đào tạo cho nước nhà hàng nghìn kỹ sư, hàng trăm thạc sĩ, hàng chục tiến sĩ thú y

Người thầy tận tụy

Năm 1971, học xong PTTH tại Tiên Lữ, Hưng Yên, Nguyễn Bá Hiên vào khoa Thú y, Đại học Nông nghiệp I (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Tốt nghiệp xuất sắc, ông được Trường giữ lại làm cán bộ giảng dạy từ năm 1977.

Dành cả đời nghiên cứu, giảng dạy về vi sinh vật thú y, PGS-TS Nguyễn Bá Hiên am hiểu nhiều bộ môn: Vi sinh vật thú y, Vi Sinh vật đại cương, Miễn dịch học thú y, Miễn dịch học ứng dụng, Luật Thú y cho  bậc đại học; Vi khuẩn học nâng cao, Virus học nâng cao, Miễn dịch học nâng cao và Công nghệ sản xuất văcxin và kháng sinh cho bậc sau đại học. Giờ học do thầy Nguyễn Bá Hiên chủ trì, sinh viên nào cũng hứng thú nghe giảng. Những virus, vi khuẩn được Thầy gắn thêm tên, phong cách; những chuyện hài; cách xử lý tình huống thông minh gắn với tên bệnh truyền nhiễm,… Kiến thức mới trở nên hấp dẫn, dễ tiếp thu hơn.

PGS-TS Nguyễn Bá Hiên quan niệm: Ngoài truyền thụ kiến thức, người thầy còn phải dạy về nhân sinh quan, thế giới quan và cách làm giàu chính đáng bằng kiến thức chuyên môn của mình. Ông không bao giờ ngần ngại cùng học trò vượt đường sá lầy lội, tay xách dụng cụ, đi suốt đêm, khám, lấy mẫu rồi tiến hành phân lập, nuôi cấy để tìm tác nhân gây bệnh cho con vật ở các trại chăn nuôi; góp phần xác định nhanh các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh tổn thất cho người nuôi. 

Nhiều đồng nghiệp kể, nếu không đam mê nghề giáo thì Nguyễn Bá Hiên đã là giám đốc xí nghiệp sản xuất, kinh doanh thuốc thú y, chế phẩm sinh học và giàu có từ lâu.

Nguyễn Bá Hiên không ngừng tìm tòi để xây dựng những bài giảng hay, hấp dẫn, đậm đặc thông tin, kiến thức mới. Ông đặt mục tiêu tiếp cận chương trình đào tạo của các nước tiên tiến nhưng phải phù hợp thực tế Việt Nam.

15 năm làm trưởng bộ môn Vi sinh vật – Bệnh truyền nhiễm của khoa Thú y, Nguyễn Bá Hiên đồng thời góp công đầu xây dựng 3 môn học mới cho cả bậc đại học và sau đại học của khoa Thú y và nhiều khoa khác trong Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Miễn dịch học ứng dụng; Công nghệ sản xuất văcxin và kháng sinh cho hệ cao học; Nấm và bệnh do nấm).

PGS-TS Nguyễn Bá Hiên tham gia viết nhiều giáo trình (Vi sinh vật thú y, Vi sinh vật học công nghiệp; chủ biên các giáo trình: Vi sinh vật – Bệnh truyền nhiễm vật nuôi; Miễn dịch học Thú y, Miễn dịch học ứng dụng và Bệnh truyền nhiễm thú y…). Gần 40 năm qua, ông đã tham gia đào tạo hàng nghìn kỹ sư, hướng dẫn bảo vệ hơn 50 luận án thạc sĩ, 10 luận án tiến sĩ. Năm 2014, ông được Nhà nước phong “Nhà giáo ưu tú”…

Nhà khoa học “đầu nghĩ, tay làm”

Từ những năm 1980, Nguyễn Bá Hiên đã tham gia nghiên cứu, sản xuất văcxin phòng bệnh đậu cho gà, bệnh tả cho ngỗng, suyễn cho lợn. Những chuyến công tác nước ngoài, “quà quý” của nhà khoa học này gửi về là những chủng giống virus; rồi sau đó, khi về nước, ông thường xuyên vùi mình trong phòng thí nghiệm nghiên cứu, khảo nghiệm, để ra đời nhiều đề tài có ứng dụng hữu ích với người chăn nuôi.

Năm 2008, PGS-TS Nguyễn Bá Hiên cùng một nhóm nhà khoa học thuộc khoa Thú y (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) bắt tay phân lập virus gây bệnh tai xanh. Năm 2013 – 2015, đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước, do Nguyễn Bá Hiên làm chủ nhiệm, “Công nghệ sản xuất văcxin vô hoạt phòng hội chứng sinh sản và hô hấp ở lợn”, được Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao. Năm 2014, sau 11 năm nghiên cứu bệnh cúm gia cầm, Nguyễn Bá Hiên tập hợp một số chuyên gia y học và thú y, soạn ra cuốn sách “Bệnh cúm ở người và động vật”, được Nhà nước đặt hàng và Nhà xuất bản Nông nghiệp ấn hành.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, 5 đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ, 3 đề tài cấp Nhà nước có Nguyễn Bá Hiên tham gia và làm chủ nhiệm đã được nghiệm thu, đưa vào thực tế đạt hiệu quả cao. Ông cũng đã công bố hơn 50 bài báo đăng trên các tạp chí uy tín trong và ngoài nước.

Gần 40 năm giảng dạy, Nguyễn Bá Hiên cũng là chủ biên, đồng chủ biên và tham gia viết 12 cuốn sách chuyên khảo (Sổ tay Thầy thuốc Thú y; Bệnh trâu bò ở Việt Nam; Tám bệnh quan trọng truyền lây giữa người và động vật; Bệnh truyền lây giữa động vật và người; Công nghệ chế tạo và sử dụng văcxin thú y ở Việt Nam; 6 bệnh quan trọng do vi khuẩn lợn và biện pháp phòng trị; Bệnh Gia cầm và Bệnh của lợn ở Việt Nam; Bệnh truyền nhiễm của động vật nuôi & Biện pháp khống chế; Bệnh cúm ở người và động vật…). Hai cuốn sách ông viết, Nhà xuất bản Nông nghiệp xuất bản, được trao huy chương sách hay Việt Nam, trong đó một được giải Bạc. Giờ đây đã hết tuổi làm quản lí, Nguyễn  Bá Hiên vẫn thường xuyên nghiên cứu, hướng dẫn làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia hội thảo, thuyết trình, giảng dạy; đến trang trại, nhà máy trao đổi kinh nghiệm…

PGS-TS Nguyễn Bá Hiên nhìn nhận: Với ngành chăn nuôi, ngày càng có nhiều bệnh mới và nguy hiểm. Việc dùng văcxin để tạo ra sức đề kháng đặc hiệu, chủ động cho vật nuôi là lá chắn cực quan trọng. Nhưng hiện nay, ở nước ta mới sản xuất được khoảng 15% nhu cầu văcxin cho vật nuôi nên việc phòng bệnh bằng phương thức miễn dịch chủ động chưa được nhiều. Hơn nữa, nhiều văcxin nhập khẩu chưa phù hợp những loại vi sinh vật gây bệnh ở vật nuôi trong nước, nên hiệu quả miễn dịch chưa cao. Do đó, người chăn nuôi vẫn đang lạm dụng kháng sinh để chữa bệnh cho vật nuôi, khiến hàm lượng kháng sinh trong thịt, trứng, sữa tồn dư lớn, ảnh hưởng xấu tới người tiêu dùng.

“Mong ước của tôi là nước ta đẩy mạnh được việc nghiên cứu, sản  xuất được văcxin phòng bệnh đa dạng, hiệu quả cho vật nuôi, đáp ứng được nhu cầu trong nước, hạn chế nhập khẩu văcxin. Không chỉ chữa bệnh mà hơn thế, chủ động phòng bệnh cho vật nuôi…”, Nguyễn Bá Hiên thường nói.
PGS-TS Nguyễn Bá Hiên cho biết, ông luôn đòi hỏi bản thân, nghiên cứu phải cụ thể, sát thực hoàn cảnh Việt Nam, sao cho kết quả nghiên cứu có tính thực tiễn và khả năng ứng dụng cao 

Hà Ngân

(http://nhachannuoi.vn/mot-nha-giao-nha-khoa-hoc-thu-y-xuat-sac/)

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập36
  • Máy chủ tìm kiếm2
  • Khách viếng thăm34
  • Hôm nay2,471
  • Tháng hiện tại48,877
  • Tổng lượt truy cập5,178,287
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây