Nghiệm thu đề tài “Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý của lợn bị nhiễm Circovirus và ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán bệnh do Circovirus gây ra”

Thứ năm - 14/01/2016 08:04
 Hội chứng còi cọc sau cai sữa ở lợn con (postweaning multisystemic wasting syndrome – PMWS) do porcine circoviral virus type 2 (PCV2) thuộc họ circoviridae gây ra. Virus được tìm thấy ở mọi lứa tuổi của lợn, nhưng gây bệnh chủ yếu ở lợn con từ 6 – 17 tuần tuổi. PMWS đã trở thành một vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm trên thế giới trong những năm qua, đặc biệt là tại Canada, Mỹ, châu Âu và Viễn Đông. Căn bệnh xảy ra được biểu thị rõ ràng như tên gọi của nó, đó là triệu chứng còi cọc ở lợn cai sữa ở 5-6 tuần tuổi đến khoảng 17 tuần tuổi. Mặc dù căn bệnh diễn biến chậm nhưng tăng dần lên với mức độ nguy hại cao. Sau khi đàn lợn nhiễm bệnh, tỷ lệ chết có khi lên đến 90%. Bệnh thường xảy ra quanh năm không phụ thuộc vào mùa vụ. Bệnh tiến triển chậm nhưng có tỷ lệ chết cao tập trung ở lợn từ 6-8 tuần tuổi với các biểu hiện giảm khối lượng tăng trọng và dần dần trở nên hốc hác, còi cọc, lông thô ráp, da nhăn nheo, nhợt nhạt và đôi khi có màu xanh vàng, sinh trưởng phát triển kém, giảm hiệu quả sử dụng thức ăn, có thể gây chết lợn khi mắc các tác nhân gây bệnh kế phát khác do PCV2 đã làm giảm sức đề kháng của con vật.

Đến nay, bệnh ngày càng phổ biến, xảy ra nhiều tại khu vực miền Nam, rải rác tại các tỉnh thành phía Bắc gây nhiều hậu quả nghiêm trọng. PMWS là nguyên nhân gây thiệt hại lớn về kinh tế cho ngành chăn nuôi lợn và ảnh hưởng xấu đến sức khỏe đàn lợn chăn nuôi công nghiệp: Do đặc tính di truyền với tốc độ đột biến được ước tính 1,2.10-3/năm, do bệnh không nhất thiết có biểu hiện lâm sàng, lợn được vận chuyển và yếu tố này làm cho bệnh lây lan nhanh và có chiều hướng lây lan rộng khắp thế giới.

Nắm bắt được tầm quan trọng của vấn đề, PGS. TS. Bùi Trần Anh Đào, bộ môn Bệnh lý Thú y, Khoa Thú y đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu đặc điểm bệnh lý của lợn bị nhiễm Circovirus và ứng dụng một số kỹ thuật hiện đại trong chẩn đoán bệnh do Circovirus gây ra”

Sau 3 năm nghiên cứu, đề tài đã đạt được một số kết quả chính sau: Thu thập được 43 lợn mắc PCV2 với tổng số mẫu thu được là 342 mẫu tại các trang trại ở Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương; Triệu chứng lâm sàng điển hình của lợn mắc PCV2 thu thập được là còi cọc, lông thô, khô xơ xác (100%), ngoài ra có một tỷ lệ lớn (83,72%) lợn có triệu chứng về hô hấp và 67,44% lợn bị ỉa chảy. Các triệu chứng khác xuất hiện ít hơn ở một số lợn như: hạch bẹn nông sưng (tỷ lệ 48,84%), da nhợt nhạt (41,86%), viêm da (13,95%), hoàng đản (9,30%), viêm khớp (11,6%) và co giật (6,98%).

- Bệnh lý đại thể chủ yếu biểu hiện ở đường hô hấp (90,7%), tiêu hóa (86%) và hệ lympho (86%): hạch lympho sưng to, xuất huyết; phổi xuất huyết, xen kẽ giữa vùng lành và vùng tổn thương; ruột chứa đầy hơi, thành ruột mỏng, niêm mạc ruột xuất huyết.

- Bệnh tích vi thể lợn mắc PCV2 là sung huyết, xuất huyết,thâm nhiễm tế bào viêm, thoái hóa tế bào. Hoại tử tế bào chiếm tỷ lệ thấp hơn (gan - 23,3%; phổi – 14%; hạch – 25,6%), thận, ruột, dạ dày và tim không thấy bệnh tích hoại tử tế bào.

- Bằng kỹ thuật PCR đã xác định được 34 mẫu bệnh trong tổng số 43 mẫu bệnh phẩm dương tính (chiếm 79%).

- Phương pháp hóa mô miễn dịch (IHC-Immunohistochemistry) và phương pháp nhuộm miễn dịch huỳnh quang (IF – immunofluorescence) cho phép xác định chính xác sự có mặt và sự phân bố của virus PCV2 trong các phủ tạng của lợn mắc bệnh. Virus có mặt nhiều nhất trong hạch, gan, phổi, lách.

- Độ nhạy của phương pháp hóa mô miễn dịch là 98,33 %, độ đặc hiệu 95% và độ nhạy của phương pháp miễn dịch huỳnh quang là 98,34%, độ đặc hiệu là 97,43%.

Đề tài được Hội đồng đánh giá, nghiệm thu cấp Bộ xếp loại Khá và đề nghị nhóm nghiên cứu tiếp tục nghiên cứu giải trình tự gen các đoạn gen của virus PCV2, tiến tới giải trình tự toàn bộ hệ gen của virus, chế tạo vacxin phòng bệnh có hiệu quả cao.

                                                                         
                                                                                                                                                                   Ban KH&CN

  Ý kiến bạn đọc

Bạn cần trở thành thành viên của nhóm để có thể bình luận bài viết này. Nhấn vào đây để đăng ký làm thành viên nhóm!

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang truy cập29
  • Hôm nay2,412
  • Tháng hiện tại48,818
  • Tổng lượt truy cập5,178,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây